• 1-bat buoc chuyen giao.jpg
  • 2-technology transfer.jpg
  • 3-tpqt.jpg
  • 4-huong dan mon tpqt.jpg
  • 5-nhap mon tdst.jpg
  • 6-giai thich phap luat.jpg
  • 7-giao trinh shtt.jpg
  • 8-giao trinh tpqt-1.jpg
  • giao trinh 9-tpqt2.jpg
Thứ tư, 09 Tháng 4 2014 16:25
Share on Facebook

TÌM HIỂU VỀ QUYỀN MIỄN TRỪ QUỐC GIA TRONG QUAN HỆ QUỐC TẾ

 

Th.s Lê Thị Nam Giang[1]

Lê Huyền Thanh[2]

Phạm Thị Thu[3]

Nguyễn Thị Kim Trinh[4]

Hà Duy Ý[5]

1. Đặt vấn đề           

 

     Quyền miễn trừ của quốc gia trong quan hệ quốc tế đã được thừa nhận rộng rãi tại hầu hết các quốc gia trên thế giới như một tập quán quốc tế lâu đời.[6] Mặc dù vậy, hiện nay vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về việc xác định phạm vi quyền miễn trừ và những quan hệ mà trong đó quốc gia được hưởng quyền này. Tuy nhiên, sự ra đời ngày càng nhiều của các đạo luật về quyền miễn trừ quốc gia ở các nước như: Mỹ, Anh, Ác-hen-ti-na, Úc… và Công ước quốc tế của Liên Hiệp Quốc về quyền miễn trừ quốc gia đã thể hiện tầm quan trọng của việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của mổi quốc gia để xác định rõ phạm vi, những đối tượng được hưởng quyền miễn trừ và đồng thời thể hiện mối quan tâm sâu sắc của các quốc gia về tư cách pháp lý của quốc gia nước ngoài khi tham gia vào quan hệ quốc tế, đặc biệt là các quan hệ quốc tế “tư”.

 

Hiện nay Việt Nam chưa có bất kỳ một đạo luật hay quy định chính thức nào quy định trực tiếp về quyền miễn trừ của quốc gia nước ngoài. Điều đó cho thấy chúng ta cần ban hành các quy định về quyền miễn trừ của quốc gia nước ngoài, trong đó, vấn đề đầu tiên và mang tính cốt lõi là phải đưa ra những quy định về quyền miễn trừ sao cho phù hợp với pháp luật quốc tế và thông lệ các nước, vừa phù hợp với tình hình thực tế ở nước ta.

 

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi tập trung phân tích nội dung cơ bản của Công ước quốc tế của Liên Hiệp Quốc về miễn trừ quốc gia và Luật về miễn trừ quốc gia của Liên Hiệp Anh và của Hoa Kỳ nhằm rút ra những kinh nghiệm cho Việt Nam trong quá trình xây dựng các quy định về miễn trừ của quốc gia nước ngoài tại Việt Nam.

 

 

2. Công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền miễn trừ tài phán và miễn trừ tài sản của quốc gia

 

Công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền miễn trừ tài phán quốc gia và miễn trừ tài sản của quốc gia là kết quả của một quá trình xây dựng pháp luật lâu dài từ năm 1977. Công ước được Đại hội đồng LHQ thông qua trong Nghị quyết số 59/38 vào tháng 12 năm 2004 và được mở để ký từ tháng 01 năm 2005 đến tháng 01 năm 2007. Hiện nay đã có một số quốc gia tham gia Công ước như Úc, Ma-rốc, Bỉ, Bồ Đào Nha, Thụy Điển…

 

Sự ra đời của Công ước là một bước tiến của pháp luật quốc tế, tạo ra một khung pháp lý quốc tế mang tính thống nhất về quyền miễn trừ quốc gia. Nội dung của Công ước tập trung vào các vấn đề về quyền miễn trừ tài phán của quốc gia nước ngoài, những nguyên tắc chung về miễn trừ tài phán, đối tượng được hưởng quyền miễn trừ, các trường hợp được hưởng quyền miễn trừ, các trường hợp ngoại lệ và vấn đề về thủ tục tố tụng. Việc thực hiện quyền miễn trừ tài phán được áp dụng đối với toàn bộ quá trình tố tụng từ khởi kiện đến việc cung cấp bằng chứng, điều tra xét xử cho đến việc ra phán quyết tạm thời hay chính thức và giai đoạn thực hiện phán quyết.

 

Có hai nguyên tắc cơ bản được Công ước áp dụng. Thứ nhất, một quốc gia được hưởng quyền miễn trừ tài phán và tài sản trước một tòa án nước ngoài. Các quốc gia có nghĩa vụ đảm bảo quyền miễn trừ tài phán của quốc gia nước ngoài và tài sản của quốc gia nước ngoài, cụ thể là không thực thi quyền tài phán chống lại quốc gia nước ngoài trong một vụ kiện tại tòa án nước mình, và vì mục đích đó, phải đảm bảo là tòa án quốc gia tự quyết định về quyền miễn trừ tài phán của quốc gia. Một vụ kiện trước tòa án quốc gia nước ngoài sẽ được xem như là chống lại một quốc gia nếu quốc gia này là bị đơn trong vụ kiện, hoặc không đứng tên trong vụ kiện nhưng trong quá trình tố tụng có tài sản, quyền hoặc lợi ích liên quan.[7] Thứ hai, quốc gia không thể viện dẫn quyền miễn trừ tài phán trước tòa án quốc gia nước ngoài khi chính quốc gia này đã chấp nhận thẩm quyền tài phán của quốc gia đó một cách minh thị.[8]

 

Theo Công ước, quyền miễn trừ quốc gia không chỉ dành cho bản thân quốc gia và các cơ quan của chính phủ, các bang của một nhà nước liên bang mà còn mở rộng tới các đơn vị hành chính của quốc gia và cơ quan hoặc công ty của quốc gia là đối tượng được hưởng quyền miễn trừ [9].

 

Tuy nhiên, quốc gia không mặc nhiên được hưởng quyền miễn trừ tài phán trong mọi trường hợp. Công ước có quy định cụ thể những trường hợp quốc gia không thể viện dẫn quyền miễn trừ, bao gồm những trường hợp như khi quốc gia từ bỏ quyền miễn trừ[10], khi tham gia vào các giao dịch thương mại[11], khi vụ kiện liên quan đến hợp đồng lao động[12], bồi thường thiệt hại về người và tài sản do hành vi thiếu trách nhiệm của quốc gia[13], hoặc vụ kiện liên quan đến việc xác định quyền sở hữu, chiếm hữu và sử dụng tài sản[14], những ngoại lệ liên quan đến việc xác định quyền sở hữu trí tuệ và sở hữu công nghiệp[15], đến việc tham gia vào một công ty của quốc gia[16] , đến việc sở hữu và vận hành một con tàu của quốc gia[17] hay khi có một thỏa thuận trọng tài loại trừ quyền miễn trừ đó[18].

 

Quyền miễn trừ tài phán của quốc gia không chỉ bao gồm quyền miễn trừ tài phán mà còn bao gồm quyền miễn trừ đối với các biện pháp cưỡng chế tiền tài phán[19] và quyền miễn trừ đối với các biện pháp cưỡng chế đối với việc thi hành phán quyết của tòa án[20].

 

Các quy định của Công ước đã thể hiện một cách rõ ràng rằng các quốc gia thành viên có nghĩa vụ không thực hiện quyền tài phán của mình chống lại quốc gia thành viên khác và phải đảm bảo tôn trọng quyền miễn trừ tài phán của quốc gia khác trong những vụ kiện trước tòa án quốc gia mình. Công ước khẳng định quyền miễn trừ tài phán của các quốc gia, dù là quốc gia phát triển, đang phát triển hay kém phát triển, là như nhau trong những điều kiện và hoàn cảnh áp dụng như nhau, không quốc gia nào có thể dùng quyền lực về kinh tế hay sức mạnh quân sự để cho mình thẩm quyền phán xét chống lại quốc gia khác. Công ước cũng chỉ rõ, việc một quốc gia từ bỏ quyền miễn trừ của mình cũng chỉ có thể dựa trên cơ sở tự nguyện của chính quốc gia đó. Những quy định này đảm bảo quyền bình đẳng của tất cả các quốc gia thành viên trong Công ước. Không có ngoại lệ dành riêng cho một quốc gia nào.

 

Trong tương lai khi đã có hiệu lực, Công ước sẽ là một căn cứ pháp lý quan trọng mà các quốc gia thành viên có thể viện dẫn để giải quyết các tranh chấp liên quan đến miễn trừ tài phán của quốc gia và tài sản quốc gia. Không chỉ dừng lại ở đó, với tính chất là một quy định khung, Công ước cũng sẽ là một cơ sở tốt để các quốc gia trong việc tham khảo khi xây dựng hoặc sửa đổi pháp luật của mình về miễn trừ nhà nước.

 

3. Luật của Hoa Kỳ về quyền miễn trừ nhà nước dành cho quốc gia nước ngoài

  

   Luật về quyền miễn trừ nhà nước dành cho quốc gia nước ngoài năm 1976 của Hoa Kỳ tuy chỉ bao gồm 10 điều nhưng đã quy định được một cách khái quát các vấn đề về miễn trừ nhà nước. Theo đó, các quốc gia tham gia điều ước quốc tế mà Hoa Kỳ cũng là một thành viên tại thời điểm ban hành đạo luật này sẽ được hưởng quyền miễn trừ tài phán từ tòa án Liên bang và tòa án các bang của Hoa Kỳ[21]. Tuy nhiên, không chỉ bản thân quốc gia nước ngoài mà các đơn vị địa phận hành chính, các công ty hoặc cơ quan, viên chức hoặc nhân viên của quốc gia nước ngoài đó cũng là chủ thể được hưởng quyền miễn trừ theo đạo luật này. Tương tự như Công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền miễn trừ tài phán quốc gia và miễn trừ tài sản của quốc gia, Luật về quyền miễn trừ nhà nước dành cho quốc gia nước ngoài của Hoa Kỳ cũng quy định các trường hợp ngoại lệ, khi một quốc gia nước ngoài không được hưởng quyền miễn trừ. Đó là khi quốc gia nước ngoài từ bỏ quyền miễn trừ của mình một cách minh thị hoặc mặc thị[22], quốc gia nước ngoài tham gia vào những hợp đồng thương mại được thực hiện trên lãnh thổ Hoa Kỳ hoặc thực hiện ở nước ngoài nhưng liên quan đến Hoa Kỳ và gây hậu quả trực tiếp trên lãnh thổ Hoa Kỳ[23]. Một điểm khác với Công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền miễn trừ tài phán quốc gia và miễn trừ tài sản của quốc gia là Luật về quyền miễn trừ của Hoa Kỳ có quy định rõ những trường hợp ngoại lệ dành cho quyền đối với tài sản. Thứ nhất, quyền đối với tài sản có được do vi phạm pháp luật quốc tế khi tài sản hoặc tài sản chuyển đổi từ tài sản đó đang hiện diện trên lãnh thổ Hoa Kỳ và có liên quan đến hoạt động thương mại thực hiện trên lãnh thổ Hoa Kỳ, hoặc thuộc sở hữu hoặc được kiểm soát bởi công ty, phương tiện của quốc gia nước ngoài và công ty hoặc phương tiện này tham gia vào hoạt động thương mại trên lãnh thổ Hoa Kỳ[24]. Thứ hai, quyền đối với tài sản là bất động sản trên lãnh thổ Hoa Kỳ hoặc tài sản được thừa nhận thông qua thừa kế, tặng cho[25]. Những ngoại lệ khác về quyền miễn trừ là trường hợp đòi bồi thường thiệt hại từ hành vi có lỗi hay do việc không hành động của quốc gia nước ngoài hay viên chức, nhân viên của quốc gia nước ngoài đó[26], trường hợp khi có một thỏa thuận trọng tài[27], khi bồi thường thiệt hại do làm cá nhân chết hoặc bị thương mà nguyên nhân là do dùng nhục hình, giết người không theo thủ tục tư pháp, do phá hoại máy bay, bắt giữ con tin[28], khi quốc gia nước ngoài thực hiện việc phản tố [29].

Không chỉ có quyền miễn trừ tài phán, quốc gia nước ngoài còn được hưởng quyền miễn trừ khỏi việc tịch thu và thi hành án đối với tài sản[30] trừ một số ngoại lệ mà đạo luật này quy định như: khi quốc gia nước ngoài từ bỏ quyền miễn trừ, tài sản hiện hoặc đã được sử dụng vào hoạt động thương mại, tài sản hoặc tài sản được chuyển đổi từ tài sản đó có được do vi phạm pháp luật quốc tế, tài sản bị tịch thu, thi hành án theo phán quyết trọng tài…[31].

  

Tuy nhiên, khác so với Công ước của Liên Hiệp Quốc về miễn trừ tài phán quốc gia và tài sản quốc gia, theo đạo luật này, có một số loại tài sản mà quốc gia nước ngoài được hưởng quyền miễn trừ tuyệt đối trong mọi trường hợp kể cả khi rơi vào các trường hợp ngoại lệ không được viện dẫn quyền miễn trừ như đã liệt kê ở trên, đó là những tài sản được hưởng đặc quyền, quyền miễn trừ do Tổng thống quy định trong Luật miễn trừ tổ chức quốc tế, tài sản của ngân hàng trung ương của quốc gia nước ngoài hoặc của tổ chức tiền tệ có tài khoản của quốc gia nước ngoài, tài sản hiện đang được sử dụng hoặc có mục đích sử dụng liên quan đến hoạt động quân đội, tuy nhiên, nếu trường hợp ngân hàng hoặc cơ quan có thẩm quyền, hoặc chính phủ của quốc gia nước ngoài minh thị từ bỏ bằng một tuyên bố việc không hưởng quyền miễn trừ thì tuyên bố này vẫn được chấp nhận[32]. Quy định này cũng nhằm thể hiện sự tôn trọng ý chí của quốc gia nước ngoài.

 

   4. Luật của Liên Hiệp Anh về quyền miễn trừ nhà nước

Ngay trong lời mở đầu của mình, Luật miễn trừ nhà nước của Liên Hiệp Anh năm 1978 đã khẳng định đây là “Một đạo luật với quy định mới (tạo ra quy định mới) liên quan tới việc xét xử những quốc gia khác tại Liên Hiệp Anh, quy định hiệu lực của những phán quyết chống lại Liên Hiệp Anh từ tòa án của các quốc gia thành viên thuộc Công ước về miễn trừ quốc gia của Liên minh Châu Âu, thiết lập những quy định mới liên quan tới quyền miễn trừ và đặc quyền của người đứng đầu nhà nước và cho các mục đích liên quan khác”[33].

Luật về quyền miễn trừ nhà nước của Liên Hiệp Anh gồm có ba phần. Phần một quy định về quyền miễn trừ tài phán mà Liên Hiệp Anh dành cho các quốc gia hoặc nhà nước liên bang khác mà không phải là nhà nước Liên Hiệp Anh[34], những trường hợp ngoại lệ không được hưởng quyền miễn trừ. Những ngoại lệ này bao gồm trường hợp quốc gia nước ngoài từ bỏ quyền miễn trừ của mình[35], khi quốc gia tham gia vào các giao dịch thương mại hoặc thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng[36], các trường hợp liên quan đến hợp đồng lao động[37], khi quốc gia gây thiệt hại về người và tài sản[38], các trường hợp liên quan đến tài sản[39], đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ[40] và khi quốc gia là thành viên pháp nhân thương mại[41]. Ngoài ra, phần thứ nhất còn có các quy định về vấn đề thủ tục tố tụng và những quy định bổ sung khác. Phần thứ hai quy định vấn đề hiệu lực của những quyết định chống lại Liên Hiệp Anh của tòa án các quốc gia thành viên khác của Công ước về quyền miễn trừ nhà nước của Liên Minh Châu Âu. Phần thứ ba đề cập vấn đề dẫn chiếu và các quy định bổ sung giải thích một số điều khoản cũng như thuật ngữ trong Luật.

Trong quá trình tìm hiểu Luật về quyền miễn trừ nhà nước của Liên Hiệp Anh năm 1978 và Luật quyền miễn trừ nhà nước dành cho quốc gia nước ngoài năm 1976 của Hoa Kỳ, chúng tôi nhận thấy bên cạnh một số điểm khác biệt về cấu trúc hay chủ thể được hưởng quyền miễn trừ[42], hầu như các quy định khác của hai đạo luật này đều có nội dung khá giống nhau[43]. Điều này có thể đựơc giải thích khá dễ dàng, vì cả hai đạo luật này đều dựa trên học thuyết về quyền miễn trừ tương đối[44].

 

5. Một số kiến nghị

 

Như đã trình bày, hiện nay tại Việt Nam, chúng ta chưa có luật về quyền miễn trừ quốc gia và pháp luật hiện hành cũng không có quy phạm nào quy định trực tiếp về quyền này. Trước đây, Điều 84 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự có quy định các vụ án dân sự liên quan đến nhà nước nước ngoài hoặc người được hưởng quy chế ngoại giao được giải quyết bằng con đường ngoại giao, trừ trường hợp nhà nước nước ngoài hoặc người được hưởng quy chế ngoại giao đồng ý tham gia tố tụng tại Việt Nam. Tuy nhiên, Pháp lệnh này đã hết hiệu lực. Bộ luật tố tụng dân sự 2004 đã không quy định trực tiếp về quyền miễn trừ quốc gia. Các văn bản pháp luật Việt Nam hiện hành mới chỉ quy định quyền miễn trừ của nhân viên ngoại giao và lãnh sự. Quyền miễn trừ được pháp luật Việt Nam quy định cho các đối tượng này bao gồm quyền miễn trừ xét xử và quyền miễn trừ đối với các biện pháp thi hành án. Bên cạnh đó, Điều 2 khoản 4 Bộ luật tố tụng dân sự 2004 cũng khẳng định: “Cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài thuộc đối tượng được hưởng các quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao hoặc các quyền ưu đãi, miễn trừ lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập thì vụ việc dân sự có liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức đó được giải quyết bằng con đường ngoại giao”. Về lý luận, chúng ta có thể lập luận, với việc thừa nhận quyền miễn trừ tài phán cho những người đại diện cho quốc gia thì theo logic, bản thân quốc gia cũng được hưởng quyền này. Tuy nhiên, để tạo cơ sở pháp lý cho tòa án Việt Nam trong việc thụ lý và giải quyết các tranh chấp dân sự có liên quan đến nhà nước nước ngoài, chúng ta nên quy định một cách rõ ràng về quyền miễn trừ của quốc gia[45]. Nếu ban hành được một đạo luật về quyền miễn trừ của quốc gia nước ngoài thì đó là một giải pháp rất tốt, tuy nhiên điều đó đòi hỏi phải có thời gian. Do đó, chúng tôi kiến nghị:

Thứ nhất, chúng ta nên bổ sung quy định của Bộ luật tố tụng dân sự về quyền miễn trừ dành cho quốc gia nước ngoài. Quy định này không nên chỉ dừng lại ở nguyên tắc chung là thừa nhận quyền miễn trừ về tài phán và tài sản cho quốc gia nước ngoài, mà nên quy định các trường hợp quốc gia nước ngoài sẽ không được hưởng quyền miễn trừ tại Việt Nam. Bởi, theo xu hướng hiện nay, học thuyết quyền miễn trừ tương đối được thừa nhận rộng rãi trong cả điều ước quốc tế, pháp luật và thực tiễn xét xử của nhiều nước. Nếu thừa nhận quyền miễn trừ tuyệt đối cho các quốc gia nước ngoài, Nhà nước Việt Nam cũng không được hưởng quyền miễn trừ tuyệt đối ở nước ngoài mà công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam sẽ bất lợi khi tham gia vào các quan hệ tài sản với các quốc gia nước ngoài. Tuy nhiên về lâu dài chúng ta cần xây dựng một đạo luật về quyền miễn trừ quốc gia.

Thứ hai, Nhà nước Việt Nam nên xem xét khả năng gia nhập Công ước về quyền miễn trừ tài phán và tài sản của quốc gia. Như trên đã trình bày, việc ra đời của Công ước đã tạo nên một khuôn khổ pháp lý thống nhất trên phạm vi quốc tế về quyền miễn trừ quốc gia. Việc gia nhập Công ước sẽ tạo cơ sở tốt để Việt Nam xây dựng luật pháp của nước mình về vấn đề miễn trừ quốc gia, giúp lấp đầy những lỗ hỏng của pháp luật về vấn đề này. Nếu gia nhập Công ước, Việt Nam sẽ có cơ sở pháp lý vững chắc trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự có liên quan đến nhà nước nước ngoài, cũng như bảo vệ lợi ích của quốc gia trong việc viện dẫn quyền miễn trừ tài phán trước tòa án quốc gia nước ngoài. Vì là một công ước quốc tế nên nó sẽ được bảo đảm thực hiện một cách tốt nhất từ các quốc gia thành viên. Thêm nữa việc gia nhập Công ước còn góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế cũng như góp phần nâng cao sự tín nhiệm của đối tác quốc tế khi tham gia vào các quan hệ dân sự với Việt Nam.

 



[1] Trưởng Bộ môn TPQT-LSS Trường Đại học Luật TPHCM

[2] SV lớp CLC30 Trường Đại học Luật TPHCM

[3] SV lớp CLC30 Trường Đại học Luật TPHCM

[4] SV lớp CLC30 Trường Đại học Luật TPHCM

[5] SV lớp CLC30 Trường Đại học Luật TPHCM

[6] Ngay trong lời mở đầu của Công ước của LHQ về quyền miễn trừ tài phán và miễn trừ tài sản của quốc gia đã khẳng định quyền miễn trừ của quốc gia được thừa nhận như một tập quán quốc tế lâu đời.

[7] Điều 6 Công ước của LHQ về quyền miễn trừ tài phán và miễn trừ tài sản của quốc gia, bản tiếng Anh

[8] Điều 7 Công ước của LHQ về quyền miễn trừ tài phán và miễn trừ tài sản của quốc gia, bản tiếng Anh

[9] Điểm b khoản 1 Điều 2 Công ước của LHQ về quyền miễn trừ tài phán và miễn trừ tài sản của quốc gia, bản tiếng Anh

[10] Điều 7 Công ước của LHQ về quyền miễn trừ tài phán và miễn trừ tài sản của quốc gia, bản tiếng Anh

[11] Điều 10 Công ước của LHQ về quyền miễn trừ tài phán và miễn trừ tài sản của quốc gia, bản tiếng Anh

[12] Điều 11 Công ước của LHQ về quyền miễn trừ tài phán và miễn trừ tài sản của quốc gia

[13] Điều 12 Công ước của LHQ về quyền miễn trừ tài phán và miễn trừ tài sản của quốc gia

[14] Điều 13 Công ước của LHQ về quyền miễn trừ tài phán và miễn trừ tài sản của quốc gia

[15] Điều 14 Công ước của LHQ về quyền miễn trừ tài phán và miễn trừ tài sản của quốc gia

[16] Điều 15 Công ước của LHQ về quyền miễn trừ tài phán và miễn trừ tài sản của quốc gia

[17] Điều 16 Công ước của LHQ về quyền miễn trừ tài phán và miễn trừ tài sản của quốc gia

[18] Điều 17 Công ước của LHQ về quyền miễn trừ tài phán và miễn trừ tài sản của quốc gia

[19] Điều 18 Công ước của LHQ về quyền miễn trừ tài phán và miễn trừ tài sản của quốc gia

[20] Điều 19 Công ước của LHQ về quyền miễn trừ tài phán và miễn trừ tài sản của quốc gia

[21] Điều 1604 Luật về quyền miễn trừ nhà nước dành cho quốc gia nước ngoài của Hoa Kỳ, bản tiếng Anh

[22] (1) (a) Điều 1605 Luật về quyền miễn trừ nhà nước dành cho quốc gia nước ngoài của Hoa Kỳ , bản tiếng Anh

[23] (2) (a) Điều 1605 Luật về quyền miễn trừ nhà nước dành cho quốc gia nước ngoài của Hoa Kỳ

[24] (3) (a) Điều 1605 Luật về quyền miễn trừ nhà nước dành cho quốc gia nước ngoài của Hoa Kỳ

[25] (4) (a) Điều 1605 Luật về quyền miễn trừ nhà nước dành cho quốc gia nước ngoài của Hoa Kỳ

[26] (5) (a) Điều 1605 Luật về quyền miễn trừ nhà nước dành cho quốc gia nước ngoài của Hoa Kỳ

[27] (6) (a) Điều 1605 Luật về quyền miễn trừ nhà nước dành cho quốc gia nước ngoài của Hoa Kỳ

[28] (7) (a) Điều 1605 Luật về quyền miễn trừ nhà nước dành cho quốc gia nước ngoài của Hoa Kỳ

[29] Điều 1607 Luật về quyền miễn trừ nhà nước dành cho quốc gia nước ngoài của Hoa Kỳ

[30] Điều 1609 Luật về quyền miễn trừ nhà nước dành cho quốc gia nước ngoài của Hoa Kỳ

[31] Điều 1610 Luật về quyền miễn trừ nhà nước dành cho quốc gia nước ngoài của Hoa Kỳ

[32] Điều 1611 Luật về quyền miễn trừ nhà nước dành cho quốc gia nước ngoài của Hoa Kỳ

[33] An act to make new provision with respect to proceedings in the United Kingdom by or against other States. to provide for the effect of judgments given against the United Kingdom in the courts of States parties to the European Convention on State Immunity; to make new provision with respect to the immunities and privileges of heads of State; and for connected purposes

[34] Phần I. 14.-- (1) Luật về quyền miễn trừ nhà nước năm 1978 của Liên Hiệp Anh, bản tiếng Anh

[35] Phần I. 2.-- (1) Luật về quyền miễn trừ nhà nước năm 1978 của Liên Hiệp Anh, bản tiếng Anh

[36] Phần I. 3.-- (1) Luật về quyền miễn trừ nhà nước năm 1978 của Liên Hiệp Anh

[37] Phần I. 4.-- (1) Luật về quyền miễn trừ nhà nước năm 1978 của Liên Hiệp Anh

[38] Phần I. 5.-- (1) Luật về quyền miễn trừ nhà nước năm 1978 của Liên Hiệp Anh

[39] Phần I. 6.-- (1) Luật về quyền miễn trừ nhà nước năm 1978 của Liên Hiệp Anh

[40] Phần I. 7.-- (1) Luật về quyền miễn trừ nhà nước năm 1978 của Liên Hiệp Anh

[41] Phần I. 8.-- (1) Luật về quyền miễn trừ nhà nước năm 1978 của Liên Hiệp Anh

[42] Nếu như pháp luật của Hoa Kỳ quy định giới hạn những quốc gia được hưởng quyền miễn trừ nhà nước chỉ bao gồm những quốc gia cũng là thành viên của những điều ước mà Hoa Kì cũng là thành viên tại thời điểm ban hành đạo luật miễn trừ thì pháp luật của Liên Hiệp Anh lại dành quyền miễn trừ này cho tất cả các quốc gia nước ngoài khác.

[43] Ví dụ: quy định về các trường hợp ngoại lệ mà quốc gia nước ngoài không được hưởng quyền miễn trừ.

[44] Học thuyết miễn trừ tương đối hay còn gọi là học thuyết miễn trừ hạn chế được hình thành và trở nên phổ biến sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, có thể nói đây là một học thuyết có nhiều điểm tiến bộ hơn so với học thuyết miễn trừ tuyệt đối khi nó góp phần tạo được một vị trí bình đẳng hơn cho thể nhân, pháp nhân nước ngoài trong các quan hệ dân sự đối với quốc gia và đáp ứng được sự phát triển kinh tế - thương mại trên thế giới.

[45] Xem thêm: Ths Lê Thị Nam Giang, Tư pháp quốc tế, NXB ĐHQGTPHCM, 2007, bản tái bản năm 2009

  Doanh nghiệp liên kết
 
Công ty TNHH Tư vấn & Đào tạo A.G.L
Email: JLIB_HTML_CLOAKING
Hotline: 0988890358
              0938877897
   TƯ VẤN PHÁP LUẬT
 
    Hot line: 093.8877.897
 
Số lượng truy cập
2661907
TodayToday322
YesterdayYesterday390
This WeekThis Week1572
This MonthThis Month10556
All DaysAll Days2661907
Highest 01-12-2015 : 9844