• 1-bat buoc chuyen giao.jpg
  • 2-technology transfer.jpg
  • 3-tpqt.jpg
  • 4-huong dan mon tpqt.jpg
  • 5-nhap mon tdst.jpg
  • 6-giai thich phap luat.jpg
  • 7-giao trinh shtt.jpg
  • 8-giao trinh tpqt-1.jpg
  • giao trinh 9-tpqt2.jpg

Pháp luật sở hữu trí tuệ

Thứ tư, 09 Tháng 4 2014 09:44
Share on Facebook

NGUYÊN TẮC CÂN BẰNG LỢI ÍCH CỦA CHỦ SỞ HỮU TRÍ TUỆ VÀ LỢI ÍCH CỦA XÃ HỘI

Ths. Lê Thị Nam Giang[1]

Bài đã đăng tạp chí KHPL số 02/2009

 

 

Đặt vấn đề

 

            Một trong những nguyên tắc cơ bản của hệ thống sở hữu trí tuệ là nguyên tắc cân bằng lợi ích của chủ sở hữu trí tuệ và lợi ích của xã hội. Nguyên tắc này được thể hiện xuyên suốt toàn bộ quá trình bảo hộ từ xác lập quyền, duy trì quyền cho đến việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

            Việc thực hiện đúng nguyên tắc này có ý nghĩa rất lớn cho quá trình bảo vệ và khai thác quyền SHTT, đặc biệt đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả sẽ tập trung vào phân tích các nội dung cơ bản của nguyên tắc cân bằng lợi ích của chủ sở hữu trí tuệ và lợi ích của xã hội và những thách thức đối với hệ thống SHTT của Việt Nam trong việc thực hiện nguyên tắc.

 

1. Nguyên tắc cân bằng lợi ích của chủ sở hữu trí tuệ và lợi ích của xã hội - nguyên tắc cơ bản của hệ thống sở hữu trí tuệ

        

         Nguyên tắc cân bằng lợi ích của chủ sở hữu trí tuệ và lợi ích của xã hội đã có một lịch sử phát triển lâu dài. Tại hầu hết các quốc gia, nguyên tắc này ra đời cùng với sự ra đời của các quy định về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT). Ngay trong đạo luật đầu tiên trên thế giới về quyền tác giả: đạo luật Anne 1710 bên cạnh quy định “tác giả có độc quyền trên tác phẩm của mình” các nhà lập pháp đã khẳng định “độc quyền của tác giả được bảo hộ trong một thời gian nhất định”. Điều này cho thấy các nhà lập pháp thời đó đã xác định yếu tố “cân bằng về lợi ích giữa tác giả và công chúng” đóng vai trò quan trọng trong việc bảo hộ quyền của tác giả. Chính vì vậy mà độc quyền của tác giả chỉ được bảo hộ trong một thời gian nhất định, sau thời gian đó tác phẩm sẽ thuộc quyền khai thác tự do của công chúng. Các đối tượng sở hữu công nghiệp cũng bị giới hạn về thời hạn bảo hộ. Tuy nhiên, nội dung cơ bản của nguyên tắc này khi mới hình thành chỉ tập trung vào quy định về giới hạn về thời hạn bảo hộ các đối tượng SHTT. Chỉ đến khi những quy định về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đã trở nên phổ biến và tác động trực tiếp đến quyền lợi của đông đảo công chúng thì các quốc gia càng nỗ lực trong việc tìm kiếm những giải pháp nhằm hài hoà lợi ích giữa các chủ thể có liên quan như lợi ích giữa tác giả và chủ sở hữu trí tuệ, giữa các chủ thể này với quốc gia, với công chúng, trong đó quan trọng nhất là sự cân bằng lợi ích giữa chủ SHTT và lợi ích của xã hội. Các quốc gia tìm giải pháp cho vấn đề này từ việc quy định rõ ràng hơn, mở rộng hơn trong pháp luật các giới hạn của chủ sở hữu trí tuệ, đặc biệt trong lĩnh vực quyền tác giả. Điển hình là học thuyết “sử dụng hợp lý” (Fair Use Doctrine) trong pháp luật quyền tác giả tại Hoa Kỳ. Bên cạnh giải pháp pháp lý, tại một số nước còn tìm đến các giải pháp kinh tế, xã hội. Điển hình là tại Đức, “phong trào khai sáng” của các nhà quý tộc vào khoảng thế kỷ XV đã thực hiện chính sách giúp đỡ các nhà xuất bản về kinh tế để xuất bản và mang vào lãnh thổ của mình các tác phẩm văn học đang được ưa chuộng và có giá trị nhân văn. Mục đích của những nhà quý tộc này là “khai sáng” các tầng lớp nhân dân vì điều kiện kinh tế hạn chế nên đã không thể tiếp cận và mở mang sự hiểu biết của mình vì. Những người thực hiện “phong trào khai sánh” cho rằng để một xã hội tồn tại và phát triển bền vững thì yếu tố quan trọng nhất là nguồn nhân lực có tri thức, vì vậy họ đã tìm mọi cách kể cả hỗ trợ về tài chính để các tác phẩm có thể được phân phối rộng rãi đến công chúng với hy vọng đông đảo quần chúng nhân dân sẽ có nhiều cơ hội để tiếp cận tri thức và các nền văn hoá khác nhau, nâng cao trình độ của mình, từ đó nâng cao mức sống của chính bản thân và góp phần cải tạo xã hội.

Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, kỹ thuật, các tài sản sở hữu trí tuệ ngày càng giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế và trong đời sống xã hội. Điều này đòi hỏi các nước một mặt phải xây dựng và hoàn thiện các quy chế pháp lý nhằm bảo vệ và thực thi có hiệu quả các quyền, lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu trí tuệ, mặt khác cũng phải quy định và tìm các giải pháp nhằm đảm bảo cho công chúng tiếp cận và khai thác các đối tượng sở hữu trí tuệ, đặc biệt ở các quốc gia kém hoặc đang phát triển, tránh sự lạm dụng quyền của các chủ sở hữu trí tuệ. Đây thực sự là thách thức lớn đối với hệ thống SHTT, đặc biệt là các nước đang và kém phát triển.

  Bản chất của nguyên tắc cân bằng lợi ích giữa chủ sở hữu trí tuệ và lợi ích xã hội là sự dung hoà quyền lợi giữa các bên nhằm tạo ra điều kiện tồn tại và phát triển cho chính các bên, cao hơn nữa là thúc đẩy sự phát triển của văn học, khoa học và kỹ thuật. Mỗi bên sẽ phải hi sinh một phần quyền lợi của mình để hướng tới lợi ích chung lớn hơn mà sâu xa hơn chính là tạo ra một xã hội phát triển bền vững, công bằng và bình đẳng.

Các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học (VH, NT, KH), các sáng chế hay bất kỳ đối tượng nào của quyền SHTT được các tác giả sáng tạo nên bằng trí tuệ và sự lao động miệt mài hoặc phải bỏ ra một chi phí thích đáng để được nắm giữ quyền sở hữu, do vậy quyền sở hữu các thành quả lao động này phải thuộc về họ. Nếu nhà nước không có một cơ chế bảo hộ thích hợp quyền của chủ SHTT thì không thể khuyến khích sự sáng tạo từ đó là sự phát triển của văn hoá, khoa học, kỹ thuật. Tuy nhiên việc sở hữu tài sản vô hình là đối tượng SHTT lại có những điểm khác biệt so với việc sở hữu tài sản hữu hình. Chủ thể nắm giữ quyền SHTT có quyền cho phép hoặc ngăn cấm các chủ thể khác sử dụng đối tượng SHTT thuộc quyền sở hữu của mình mà không cần phải chiếm hữu quyền đó trên thực tế. Việc định đoạt loại tài sản vô hình này được thực hiện thông qua sự cho phép hay cấm bất kỳ chủ thể nào khác khai thác các đối tượng SHTT. Chính vì đặc điểm này mà quyền SHTT, đặc biệt là quyền tác giả rất dễ bị xâm phạm. Điều này đòi hỏi quyền SHTT phải được pháp luật bảo hộ bằng một cơ chế thích hợp, việc bảo hộ SHTT chính là tạo ra môi trường pháp lý để bảo vệ quyền nhân thân và quyền tài sản của tác giả, chủ sở hữu SHTT, thúc đẩy sự sáng tạo để phát triển nền kinh tế tri thức. Và việc bảo hộ hiệu quả quyền SHTT chịu sự ảnh hưởng rất lớn từ chính sách của nhà nước đến hệ thống pháp luật và cơ chế thực thi quyền cũng như nhận thức và ý thức của xã hội. Tuy nhiên, nếu chỉ hướng tới mục đích bảo vệ các tác giả, các chủ SHTT thì có thể dẫn đến sự lạm dụng độc quyền của chủ sở hữu trí tuệ và ảnh hưởng đến việc tiếp cận tri thức, tiếp cận thành quả khoa học kỹ thuật của đông đảo công chúng chưa kể đến nếu bảo hộ quá lâu, quá rộng sẽ dẫn đến sự cản trở giao lưu văn hoá, khoa học giữa các quốc gia lẫn nhau. Đối với công chúng, ngoài các quyền cơ bản như: quyền được sống, quyền được mưu cầu hạnh phúc, tự do ngôn luận…..họ còn có một quyền hết sức quan trọng và chính đáng là quyền được tiếp cận, kế thừa tri thức của nhân loại. Trong trường hợp này lợi ích của tác giả và công chúng là mâu thuẫn nhau. Nếu tác giả, chủ sở hữu các đối tượng SHTT chỉ quan tâm đến việc thiết lập, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu tuyệt đối của mình đối với đối tượng SHTT mà không nghĩ tới lợi ích của công chúng thì điều này sẽ trở thành rào cản ngăn cản sự khai thác các đối tượng này và tạo nên sự lạm dụng độc quyền của chủ sở hữu. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế- văn hóa của xã hội. Ngược lại, nếu công chúng chỉ chú ý đến nhu cầu thưởng thức tác phẩm văn học hay khai thác các lợi ích kinh tế từ các đối tượng SHTT mà không bù đắp chi phí một cách thỏa đáng cho tác giả, các chủ SHTT thì điều này sẽ không khuyến khích được sự sáng tạo và như vậy sẽ không thúc đẩy được sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên sự mâu thuẫn lợi ích này không triệt tiêu lẫn nhau vì mục đích cuối cùng của hai chủ thể này là đều hướng đến các sản phẩm sáng tạo. Một bên muốn phổ biến, cung cấp thông tin và các thành tựu sáng tạo cho đông đảo công chúng và muốn được khai thác giá trị thương mại từ chính các sản phẩm đó. Một bên muốn được khai thác các sản phẩm đó với chi phí hợp lý nhất. Bởi lẽ, điều cản trở không ít cá nhân đến với tri thức ở đây chính là rào cản kinh tế, điều kiện của mỗi quốc gia. Điều kiện sống khó khăn tại các nước đang và kém phát triển đã không cho phép một số không nhỏ công chúng bỏ ra một chi phí quá lớn để có được tri thức. Trong vấn đề này Nhà Nước với tư cách là một bên trong “khế ước xã hội” có trách nhiệm tạo ra điều kiện tốt nhất để công dân của mình được tiếp cận tri thức ở mức sâu rộng nhất với chi phí hợp lý nhất. Điều đó đòi hỏi mỗi quốc gia phải có chiến lược, chính sách, pháp luật về SHTT đáp ứng đồng thời hai yêu cầu: Thứ nhất,đảm bảo một cơ chế bảo hộc quyền của tác giả, chủ sở hữu QTG đối với các sản phẩm trí tuệ. Thứ hai: đảm bảo cho công chúng được tiếp cận tri thức rộng rãi. Đáp ứng được hai yêu cầu này tức là quốc gia đã giải quyết tốt mối quan hệ về lợi ích giữa tác giả, chủ sở hữu trí tuệ và công chúng. Do đó, cân bằng lợi ích giữa các chủ thể này bằng nhiều giải pháp từ những góc độ khác nhau chính là nhằm mục đích bảo vệ lợi ích cho cả hai bên để hướng tới một xã hội tri thức. Với mục đích tạo cơ hội để đông đảo công chúng được nắm giữ nguồn tri thức từ sự sáng tạo của tác giả cũng như khuyến khích phát huy sự sáng tạo của mỗi cá nhân, nguyên tắc cân bằng lợi ích giữa tác giả, chủ sở hữu trí tuệ và công chúng ra đời mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là với các nước đang phát triển như Việt Nam. Thực hiện tốt nguyên tắc này trên thực tế sẽ không chỉ góp phần thúc đẩy sự sáng tạo mà còn hạn chế tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

       Như trên đã đề cập, nguyên tắc cân bằng lợi ích của chủ SHTT và lợi ích của xã hội được thể hiện xuyên suốt từ quá trình xác lập quyền, thực thi quyền và bảo vệ quyền SHTT. Điều 7 Luật SHTT Việt Nam quy định: “Việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác và không được vi phạm các quy định khác của pháp luật có liên quan” và “trong trường hợp nhằm bảo đảm mục tiêu quốc phòng, an ninh, dân sinh và các lợi ích khác của Nhà nước, xã hội quy định tại Luật này, Nhà nước có quyền cấm hoặc hạn chế chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thực hiện quyền của mình hoặc buộc chủ thể quyền sở hữu trí tuệ phải cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng một hoặc một số quyền của mình với những điều kiện phù hợp”.

Nguyên tắc này cũng là một trong những nguyên tắc cơ bản được ghi nhận trong Bộ luật dân sự 2005: “Việc xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.”[2]

 

  1. 2.Nội dung cơ bản của nguyên tắc cân bằng lợi ích của chủ SHTT và lợi ích của xã hội

 

            Nội dung cơ bản của nguyên tắc cân bằng lợi ích của chủ SHTT và lợi ích của xã hội được thể hiện chủ yếu ở các nội dung sau:

 

2.1. Quy định giới hạn của chủ sở hữu quyền SHTT về thời hạn bảo hộ

 

            Thời hạn bảo hộ các đối tượng SHTT là khoảng thời gian mà nhà nước bằng quy định của pháp luật và đảm bảo bằng một hệ thống thực thi quyền cho phép các tác giả, các chủ SHTT được hưởng các độc quyền đối với các đối tượng SHTT của mình. Tùy vào từng trường hợp cụ thể, các độc quyền đó sẽ thuộc về tác giả (đồng thời là chủ SHTT) hay một số quyền thuộc về tác giả, một số thuộc về chủ SHTT (trong trường hợp tác giả không đồng thời là chủ SHTT). Trong suốt thời gian bảo hộ, về nguyên tắc, chỉ có chủ SHTT mới có độc quyền trong việc sử dụng, định đoạt các đối tượng SHTT. Chủ SHTT có thể tự mình thực hiện các độc quyền đó hoặc có thể chuyển giao cho các chủ thể khác thực hiện quyền này thông qua các hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu hoặc chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng SHTT. Như vậy, trong suốt thời hạn bảo hộ, bất cứ chủ thể nào không phải là chủ SHTT nếu thực hiện các hành vi khai thác, sử dụng các quyền này mà không được sự cho phép của chủ SHTT (trừ các trường hợp hạn chế quyền mà chúng tôi sẽ phân tích trong các phần tiếp theo) sẽ bị coi là thực hiện hành vi xâm phạm quyền SHTT. Tùy vào tính chất, mức độ và ở mức độ nhất định phụ thuộc cả vào ý chí của chủ SHTT mà hành vi xâm phạm quyền SHTT có thể bị xử lý bằng các biện pháp dân sự, hành chính hay hình sự.[3] Nhưng khi các đối tượng SHTT đã hết thời hạn bảo hộ thì các quyền tài sản của chủ SHTT sẽ không còn, chỉ còn tồn tại quyền nhân thân của tác giả (ngoại trừ một số quyền nhân thân bị giới hạn bởi thời hạn bảo hộ như quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm). Trong trường hợp này công chúng sẽ được tự do khai thác, sử dụng các đối tượng SHTT. Do đó, về bản chất việc quy định hợp lý thời hạn bảo hộ các đối tượng SHTT chính là cách thức hữu hiệu nhằm thực hiện nguyên tắc cân bằng lợi ích của chủ sở hữu SHTT và lợi ích của xã hội. Bởi lẽ, nếu pháp luật quy định thời hạn bảo hộ quá dài có nghĩa là pháp luật đã nghiêng về bảo vệ hơn quyền của chủ SHTT. Nhưng nếu pháp luật quy định thời hạn bảo hộ quá ngắn, có nghĩa là nghiêng về bảo vệ quyền lợi của công chúng vì thời hạn để công chúng tự do tiếp cận với các đối tượng SHTT đã được rút ngắn. Thời hạn bảo hộ cần phải đủ để các tác giả, chủ sở hữu trí tuệ khai thác các đối tượng SHTT không chỉ nhằm bù đắp các chi phí để tạo ra chúng mà còn đảm bảo cho họ khả năng thu lợi nhuận từ các đối tượng này. Nhưng thời gian này cũng không được quá dài làm ảnh hưởng đến sự tự do khai thác của công chúng đối với các đối tượng SHTT. Tuy nhiên, việc xác định một khoảng thời gian bảo hộ như thế nào là hợp lý là vấn đề hết sức phức tạp và phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như bản chất của từng loại đối tượng SHTT, ví dụ quyền tác giả đối với tác phẩm văn học có thời hạn bảo hộ dài hơn rất nhiều so với sáng chế hay kiểu dáng công nghiệp. Điều này còn phụ thuộc vào chính sách của nhà nước, xu thế chung của thế giới…Có thể thấy được vấn đề này qua thực tiễn bảo hộ SHTT tại các nước. Xu hướng của các nước phát triển và đồng thời là các nước thu lợi rất cao từ các đối tượng SHTT là ngày càng kéo dài hơn thời gian bảo hộ các đối tượng SHTT. Đơn cử như tại Hoa Kỳ. Trước năm 1978 thời hạn bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm văn học không được tính trên cơ sở đời người tác giả mà tính từ thời điểm được đăng ký với thời hạn là 58 năm kể từ ngày tác phẩm được đăng ký với tác phẩm được sáng tạo trước năm 1906,[4] 75 đối với tác phẩm được sáng tạo trong thời gian từ 1906 đến 1950, 95 năm đối với tác phẩm được sáng tạo trong thời gian từ 1950 đến 1978. Từ ngày 1/1//1978, thời hạn bảo hộ này đã được tăng lên đáng kể: suốt cuộc đời tác giả và 50 năm.[5] Đối với sáng chế, trước ngày 8/6/1995: thời hạn bảo hộ là 17 năm kể từ ngày cấp bằng, tuy nhiên từ ngày 8/6/1995 thời hạn này đã tăng lên là 20 năm kể từ ngày nộp đơn. Như vậy, pháp luật Hoa Kỳ đã kéo dài thời hạn bảo hộ quyền SHTT trong những năm gần đây. Đối với các nước trong khối EU, trước đấy tại đa số các nước này, thời hạn bảo hộ quyền tác giả đối tác phẩm văn học, nghệ thuật là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm nhưng hiện nay thời hạn này đã được tăng lên là suốt cuộc đời tác giả và 70 năm.[6] Trong khi đó, xu hướng tại các nước đang và kém phát triển trước đây, thời hạn này thường được quy định ngắn hơn. Ví dụ ở Việt Nam trước năm 1995, thời hạn bảo hộ quyền tác giả chỉ là suốt cuộc đời tác giả và 30 năm sau khi tác giả chết, thời hạn bảo hộ sáng chế là 15 năm. Tuy nhiên, dưới sức ép của WTO thông qua nghĩa vụ bắt buộc thực hiện Hiệp định Trips[7], xu thế chung hiện nay tại các nước là quy định thời hạn bảo hộ các đối tượng SHTT rất cao. Thời hạn bảo hộ quyền tác giả đối với các tác phẩm văn học - nghệ thuật- khoa học tại các nước thành viên của TRIPS là cuộc đời tác giả và 50 năm,[8] đối với tác phẩm không tính thời hạn bảo hộ trên cơ sở đời người thì thời hạn này là 50 năm…[9]. Điều đáng lưu ý là thời hạn bảo hộ đối với phần mềm máy tính (PMMT) được tính như thời hạn bảo hộ đối với tác phẩm văn học. Với quy định này thì pháp luật đã nghiêng về bảo vệ quyền lợi cho chủ sở hữu phần mềm máy tính vì với tốc độ phát triển khoa học công nghệ thông tin như hiện nay thì tuổi thọ của một phần mềm máy tính thường ngắn, phí bản quyền cho các PMMT thường cao trong khi đó phần mềm máy tính được bảo hộ với thời gian là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm là khoảng thời gian rất dài. Điều đó có nghĩa là khi công chúng được tự do khai thác PMMT thì phần lớn PMMT đó đã quá lạc hậu để khai thác. Đối với sáng chế, thời hạn bảo hộ là 20 năm tính từ ngày nộp đơn.[10]

           

            Tại Việt Nam, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về SHTT đã chịu sự tác động rất lớn của Hiệp định TRIPS trong quá trình chúng ta đàm phán gia nhập WTO.[11] Do đó thời hạn bảo hộ các đối tượng SHTT theo pháp luật Việt Nam hiện hành được quy định trên cơ sở đáp ứng các quy định của WTO có tính tới thực tiễn Việt Nam. Thời hạn bảo hộ đối với tác phẩm được tính trên cơ sở đời người đối với quyền nhân thân (trừ quyền công bố hay cho người khác công bố tác phẩm) là vô thời hạn, đối với quyền tài sản và quyền công bố hay cho người khác công bố tác phẩm là cuộc đời tác giả và 50 năm, đối với tác phẩm không tính trên cơ sở đời người tác giả là 50 năm kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên.[12] Tuy nhiên, trong dự thảo sửa đổi Luật SHTT, thời hạn bảo hộ đối với các tác phẩm không tính trên cơ sở đời người dự tính được nâng lên 75 năm. Quan điểm cá nhân, xuất phát từ điều kiện thực tiễn của Việt Nam, xuất phát từ mục đích của hệ thống SHTT, từ việc đảm bảo cân bằng lợi ích của chủ SHTT và lợi ích của xã hội tại Việt Nam, tác giả cho rằng không nên quy định thời hạn bảo hộ quá cao như vậy. Mặc dù Hiệp định BTA có quy định thời hạn bảo hộ với tác phẩm này là 75 năm nhưng BTA chỉ là Hiệp định song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, trong khi đó Hiệp định TRIPS của WTO chỉ yêu cầu các nước thành viên quy định thời hạn này tối thiểu là 50 năm. Thời hạn bảo hộ sáng chế theo pháp luật Việt Nam là 20 năm tính từ ngày nộp đơn, kiểu dáng công nghiệp là 5 năm tính từ ngày nộp đơn, được gia hạn hai lần liên tiếp mỗi lần 5 năm[13]. Như vậy, so sánh với pháp luật một số nước như Hoa Kỳ, EU thì thời hạn bảo hộ quyền tác giả ở Việt Nam có ngắn hơn nhưng điều này là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và đa số các nước đang phát triển cũng như đáp các tiêu chuẩn của TRIPS.

 

2.2.Quy định các trường hợp sử dụng tác phẩm không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, trả thù lao.

 

Một trong những điểm thể hiện rất rõ nội dung của nguyên tắc cân bằng lợi ích của chủ SHTT và lợi ích của xã hội là quy định về các trường hợp sử dụng tác phẩm không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, trả thù lao. Vấn đề này được quy định trong các điều ước quốc tế về quyền tác giả và trong pháp luật các nước. Ví dụ, Công ước Berne - điều ước quốc tế đa phương đầu tiên về quyền tác giả cũng quy định trong những trường hợp nhất định quốc gia thành viên có quyền quy định việc sao chép[14], trích dẫn,[15] in lại, phát sóng lại[16]….với mức độ phù hợp với thông lệ, không nhằm mục đích kinh doanh và không xâm hại tới việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây thiệt hại bất hợp lý cho những quyền lợi hợp pháp của tác giả thì việc sử dụng đó không phải xin phép, không phải trả tiền bản quyền. Tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm trong những trường hợp này phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm được sử dụng. Tuy nhiên, Công ước Berne chỉ quy định nguyên tắc chung về các trường hợp sử dụng tác phẩm mà không cần xin phép, không cần trả tiền còn các quốc gia thành viên được quyền quy định cụ thể vấn đề này trong pháp luật quốc gia.

Tại Việt Nam, các trường hợp sử dụng tác phẩm không cần xin phép, không cần trả tiền được kiệt kê trong Điều 25 Luật SHTT Việt Nam năm 2005. Các trường hợp đó gồm:

-     Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân;

-     Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh hoạ trong tác phẩm của mình;

-     Trích dẫn tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để viết báo, dùng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát thanh, truyền hình, phim tài liệu;

-     Trích dẫn tác phẩm để giảng dạy trong nhà trường mà không là sai ý tác giả, không nhằm mục đích thương mại;

-     Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu;

-     Biểu diễn tác phẩm sân khấu, loại hình biểu diễn nghệ thuật khác trong các buổi sinh hoạt văn hoá, tuyên truyền cổ động không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào;

-     Ghi âm, ghi hình trực tiếp buổi biểu diễn để đưa tin thời sự hoặc để giảng dạy;

-     Chụp ảnh, truyền hình tác phẩm tạo hình, kiến trúc, nhiếp ảnh, mỹ thật ứng dụng được trưng bày tại nơi công cộng nhằm giới thiệu hình ảnh của tác phẩm đó;

-     Chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị;

-     Nhập khẩu bản sao tác phẩm của người khác để sử dụng riêng.

         Tuy nhiên, việc sử dụng trong các trường hợp trên không được áp dụng đối với tác phẩm kiến trúc, tác phẩm tạo hình và chương trình máy tính. Việc sử dụng cũng phải đáp ứng điều kiện là không làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả và phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc xuất xứ của tác phẩm.[17]

 

2.3.Trường hợp sử dụng tác phẩm không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao

 

         Các trường hợp sử dụng tác phẩm không phải xin phép nhưng phải trả tiền bản quyền được quy định trong các điều ước quốc tế. Ví dụ, Điều 11bis Công ước Berne cho phép pháp luật quốc gia thành viên có quyền quy định việc sử dụng tác phẩm đã công bố để phát sóng thì không phải xin phép nhưng phải trả tiền bản quyền. Tuỳ điều kiện, hoàn cảnh cụ thể ở mỗi nước mà quốc gia thành viên có quy định khác nhau về vấn đề này. Tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm trong trường hợp này phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm, đảm bảo sự toàn vẹn của tác phẩm.

         Trên nguyên tắc tôn trọng các cam kết quốc tế, luật SHTT Việt Nam 2005 tại Điều 26 quy định “tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm đã công bố để thực hiện chương trình phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả”.[18]

         Tuy nhiên việc sử dụng đó phải đáp ứng các điều kiện là không làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả và phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc xuất xứ của tác phẩm. Việc sử dụng này cũng không được áp dụng với tác phẩm điện ảnh.

 

2.4. Bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế

            Sáng chế có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển công nghệ của mỗi quốc gia. Và có lẽ không có đối tượng nào của quyền SHTT mà điều kiện bảo hộ lại khắt khe và độc quyền của chủ sở hữu được bảo hộ ở mức độ cao như sáng chế. Tuy nhiên, trong thời gian sáng chế được bảo hộ, trong trường hợp nhằm bảo đảm mục tiêu quốc phòng, an ninh, dân sinh và các lợi ích khác của Nhà nước, xã hội, Nhà nước có quyền buộc chủ sở hữu sáng chế phải cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng một hoặc một số quyền của mình với những điều kiện phù hợp. Như vậy, bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế là sự thể hiện một cách cụ thể và rõ nét nguyên tắc cân bằng lợi ích giữa không chỉ chủ sở hữu sáng chế và xã hội mà còn cả lợi ích của nhà nước. Tại Việt Nam vấn đề bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế đước quy định tại các điều 145, 146,147 Luật SHTT và Điều 24, 25 Nghị định 103/CP ngày 22/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật SHTT về sở hữu công nghiệp. Theo điều 145 Luật SHTT, quyền sử dụng sáng chế sẽ bắt buộc bị chuyển giao trong các trường hợp sau:

            1. Việc sử dụng sáng chế nhằm mục đích công cộng, phi thương mại, phục vụ quốc phòng, an ninh, phòng bệnh, chữa bệnh, dinh dưỡng cho nhân dân hoặc đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của xã hội;

            2. Người nắm độc quyền sử dụng sáng chế không thực hiện nghĩa vụ sử dụng sáng chế sau khi kết thúc bốn năm kể từ ngày nộp đơn đăng ký sáng chế và kết thúc ba năm kể từ ngày cấp Bằng độc quyền sáng chế;

            3. Người có nhu cầu sử dụng sáng chế không đạt được thoả thuận với người nắm độc quyền sử dụng sáng chế về việc ký kết hợp đồng sử dụng sáng chế mặc dù trong một thời gian hợp lý đã cố gắng thương lượng với mức giá và các điều kiện thương mại thoả đáng;

            4. Người nắm độc quyền sử dụng sáng chế bị coi là thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.

           

            Việc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế trong các trường hợp trên bắt buộc phải tuân thủ các điều kiện được quy định tại Điều 146 Luật SHTT. Trong bài viết sau tác giả sẽ phân tích cụ thể các căn cứ và điều kiện chuyển giao sáng chế theo quyết định bắt buộc, cách tính giá đền bù đối với quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao theo quyết định bắt buộc và những vấn đề pháp lý đặt ra đối với Việt Nam.

 

3. Những thách thức đối với Việt Nam trong việc thực hiện nguyên tắc cân bằng lợi ích của chủ SHTT và lợi ích của xã hội

            Khi gia nhập WTO, Chính phủ Việt Nam đưa ra bốn cam kết chính về sở hữu trí tuệ,:

            Thứ nhất, Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ tiến hành tất cả các biện pháp cần thiết nhằm tuân thủ đầy đủ tất cả các quy định của Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ từ ngày gia nhập WTO mà không viện dẫn đến bất kỳ thời hạn chuyển tiếp nào.[19]

           Thứ hai, Chính phủ Việt Nam cam kết ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp yêu cầu các cơ quan của Chính phủ chỉ sử dụng các phần mềm máy tính hợp pháp và không vi phạm quyền tác giả của những phần mềm này, quy định việc mua và quản lý tất cả các phần mềm do các cơ quan Chính phủ sử dụng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định việc các nhà cung cấp truyền hình cáp chỉ được cung cấp các chương trình đã có phép tới khách hàng của họ.[20]

            Thứ ba, ban hành văn bản pháp luật quy định tất cả các hành vi giả mạo nhãn hiệu và sao chép lậu với quy mô thương mại đều có thể bị truy tố hình sự và các cơ quan có thẩm quyền có thể tịch thu và tiêu hủy trong các vụ án hình sự.[21]

            Thứ tư, tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm phát sóng, bản ghi âm, ghi hình đã công bố để thực hiện chương trình phát sóng không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan.[22]

Cam kết trên đòi hỏi sự nỗ lực thực hiện không chỉ của Chính phủ mà của toàn xã hội trong việc bảo hộ quyền SHTT. Tuy nhiên, thực hiện những cam kết đó đã đặt ra rất nhiều thách thức cho bản thân hệ thống SHTT của Việt Nam và cho xã hội Việt Nam. Chỉ riêng trong việc đảm bảo sự cân bằng về lợi ích giữa chủ SHTT và lợi ích của xã hội có thể thấy được các thách thức sau:

Thứ nhất, Việt Nam là một nước đang phát triển, trình độ khoa học, kỹ thuật còn nhiều hạn chế, mức sống của đa số người dân còn thấp nhưng nhu cầu tiếp cận và khai thác và ứng dụng các kiến thức văn học, khoa học, kỹ thuật là rất cao. Hơn nữa, thực tế hiện nay cho thấy, tại các nước phát triển, do có điều kiện về tài chính, khoa học nên có cơ hội đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, triển khai với chi phí rất lớn. Vì vậy, phần lớn các sáng chế có giá trị lớn hiện nay thuộc về các chủ SHTT ở các nước phát triển. Và cơ chế bảo hộ SHTT tại các nước này rất cao nhằm không chỉ khuyến khích sự sáng tạo mà còn đảm bảo khai thác tối đa giá trị thương mại của quyền SHTT, nột phần không nhỏ lợi nhuận sau đó được quay về đầu tư cho hoạt động nghiên cứu triển khai. Trong khi đó tại các nước đang phát triển, nền kinh tế luôn được kỳ vọng phát triển một cách nhanh nhất với sự đột phá về công nghệ và nâng cao mức sống cho nhân dân nhưng do sự hạn hẹp về nguồn vốn, về trình độ kỹ thuật, các doanh nghiệp thường ít quan tâm hoặc không có điều kiện quan tâm đến vấn đề SHTT mà chi phí cho việc có được quyền sử dụng hay sở hữu các đối tượng SHTT, đặc biệt các đối tượng SHTT của các nước phát triển, thường rất cao. Điều này phần nào đã trở thành rào cản công chúng trong việc khai thác các đối tượng SHTT và đòi hỏi phải có những giải pháp để một mặt vẫn thực hiện đúng và đủ các cam kết quốc tế về SHTT, mặt khác đảm bảo cho công chúng sử dụng, khai thác các đối tượng SHTT với chi phí hợp lý nhất.

Thứ hai, SHTT dường như vẫn là lĩnh vực mới đối với Việt Nam. Sự hiểu biết về SHTT trong đại đa số công chúng vẫn còn rất khiêm tốn do đó ý thức của người dân về việc tuân thủ pháp luật SHTT còn chưa cao. Và ngay cả các chủ SHTT là công dân, pháp nhân Việt Nam cũng chưa thực sự am hiểu về lĩnh vực này. Điều này một mặt làm cho tình trạng xâm phạm quyền SHTT dù vô ý hay cố ý đều ở mức độ cao, ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ SHTT. Mặt khác, người dân chưa nhận thức được để tận dụng một các tối đa việc khai thác các đối tượng SHTT trong các trường hợp không phải xin phép, không phải trả tiền và các đối tượng SHTT chưa được bảo hộ tại Việt Nam. Người dân cũng chưa biết bảo vệ mình trong những trường hợp chủ SHTT lạm dụng độc quyền của mình tăng quá cao giá sản phẩm hay chi phí sử dụng các đối tượng SHTT. Điều này đòi hỏi nhà nước một mặt phải có các giải pháp để hạn chế sự lạm dụng độc quyề của chủ SHTT, mặt khác đảm bảo cho các chủ thể này thực thi quyền của mình trên thực tế.

 

4. Kết luận

Nguyên tắc cân bằng lợi ích giữa chủ SHTT và lợi ích của xã hội là một trong những nguyên tắc quan trọng của hệ thống SHTT, có lịch sử hình thành và phát triển lậu đời. Thực hiện tốt nguyên tắc này một mặt sẽ khuyến khích sự sáng tạo và đầu tư cho hoạt động sáng tạo, mặt khác hạn chế sự lạm dụng độc quyền của chủ SHTT và tạo điều kiện cho công chúng được tiếp cận và khai thác các tài sản SHTT với các điều kiện hợp lý, từ đó nâng cao hiệu quả của cơ chế bảo hộ quyền SHTT. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi các tài sản SHTT trở thành tài sản có giá trị rất lớn của doanh nghiệp, khi mà phần lớn các bằng sáng chế có giá trị công nghệ và thương mại cao tập trung tại các nước phát triển và lạm dụng độc quyền của chủ SHTT đã trở thành nguy cơ thì việc thực hiện nguyên tắc này càng có ý nghĩa lớn, đặc biệt đối với các nước đang và kém phát triển.

Tuy nhiên, trong bài viết này tác giả chỉ phân tích về những nội dung cơ bản của nguyên tắc cân bằng giữa lợi ích của chủ SHTT và lợi ích của xã hội. Trong các bài tiếp theo tác giả sẽ phân tích sự thể hiện nguyên tắc này trong các trường hợp cụ thể như trong lĩnh vực sao chép, trích dẫn và bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, những vấn đề đang nhận được sự quan tâm sâu sắc của xã hội hiện nay.

 



[1] Giảng viên Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh

[2] Điều 10 Bộ luật dân sự Việt nam năm 2005

[3] Điều 199 Luật SHTT năm 2005

[4] Những tác phẩm này hiện nay đã hết thời hạn bảo hộ và thuộc lĩnh vực công cộng.

[5] Điều 302 Luật bản quyền Hoa Kỳ - Luật số 17

[6] Article 1 of Directive 2006/116/EC of the European Parliament and of the Council of 12 December 2006 on the term of protection of copyright and certain related rights

[7] Hiệp định về các khía cạnh thương mại của quyền SHTT được ký kết ngày 15/4/1994 có hiệu lực từ ngày 1/1/2000. Tất cả các nước thành viên WTO đều phải tuân thủ các quy định của Hiệp định

[8] Điều 9 Hiệp định quy định các quốc gia thành viên WTO phải tuân thủ các quy định của CƯ Berne về tác phẩm VH-NT-KH.

Theo quy định tại điều 7 của Công ước Berne thì thời hạn bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm sau khi tác giả chết.

[9] Điều 12 Hiệp định Trips

[10] Điều 33 Hiệp định Trips

[11] Xem bài “Tác động của việc gia nhập WTO đến pháp luật SHTT Việt Nam” của Ths. Lê Thị Nam Giang, tạp chí khoa học pháp lý số 0/2008

[12] Điều 27 Luật SHTT năm 2005

[13] Điều 93 Luật SHTT năm 2005

[14] Điều 9 Công ước Berne

[15] Điều 10 Công ước Berne

[16] Điều 10bis Công ước Berne

[17] Trong bài sau tác giả sẽ phân tích cụ thể về các trường hợp sử dụng tác phẩm không cần xin phép, kho6g cần trả thù lao và điều kiện áp dụng chúng.

[18] Khoản 1, điều 26, luật SHTT Việt Nam 2005

[19] Nguồn: báo cáo của Ban công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO đoạn 403.

[20] Nguồn: báo cáo của Ban công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO đoạn 465.

[21] Nguồn: báo cáo của Ban công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO đoạn 471.

[22] Nguồn: Phụ lục: nội dung áp dụng trực tiếp các cam kết của Việt Nam kèm theo Nghị quyết số 71/2006/QH11 ngày 29/11/2006 của Quốc hội phê chuẩn Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập tổ chức thương mại thế giới của nước CHXHCN Việt Nam.

  Doanh nghiệp liên kết
 
Công ty TNHH Tư vấn & Đào tạo A.G.L
Email: JLIB_HTML_CLOAKING
Hotline: 0988890358
              0938877897
   TƯ VẤN PHÁP LUẬT
 
    Hot line: 093.8877.897
 
Số lượng truy cập
2669399
TodayToday206
YesterdayYesterday451
This WeekThis Week1745
This MonthThis Month6381
All DaysAll Days2669399
Highest 01-12-2015 : 9844