• 1-bat buoc chuyen giao.jpg
  • 2-technology transfer.jpg
  • 3-tpqt.jpg
  • 4-huong dan mon tpqt.jpg
  • 5-nhap mon tdst.jpg
  • 6-giai thich phap luat.jpg
  • 7-giao trinh shtt.jpg
  • 8-giao trinh tpqt-1.jpg
  • giao trinh 9-tpqt2.jpg
Chủ nhật, 27 Tháng 4 2014 02:02
Share on Facebook

TRIỂN KHAI PHÁT TRIỂN ÁN LỆ CỦA TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

 

Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị “Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới” xác định: “Khi xét xử, các tòa án phải bảo đảm cho mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, thực sự dân chủ, khách quan; thẩm phán và hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; việc phán quyết của Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa…”, “Xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh…”,

“Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ các cơ quan tư pháp; hàng năm nhận xét, đánh giá về trách nhiệm, phẩm chất đạo đức, năng lực của cán bộ có chức danh tư pháp để xem xét việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, phân công nhiệm vụ hoặc miễn nhiệm…”, “Đảng đoàn Quốc hội chủ trì cùng Ban cán sự đảng Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao và Ban Nội chính trung ương rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung và từng bước hoàn thiện pháp luật liên quan đến công tác tư pháp”… Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị “về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020”, xác định “Thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, đúng đắn đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp…”, “Xác định đúng, đủ quyền năng và trách nhiệm pháp lý cho từng cơ quan, chức danh tư pháp”, “Nghiên cứu về khả năng khai thác, sử dụng án lệ, tập quán (kể cả tập quan, thông lệ thương mại quốc tế) và quy tắc của các hiệp hội nghề nghiệp, góp phần bổ sung và hoàn thiện pháp luật…”, “Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo việc xây dựng chương trình xây dựng pháp luật dài hạn và hàng năm, trong đó ưu tiên, trọng điểm trên mỗi lĩnh vực xây dựng pháp luật trong từng giai đoạn; giám sát chặt chẽ để đảm bảo tiến độ và chất lượng xây dựng pháp luật”. Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 “Về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” xác định: “Toà án nhân dân tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm”, “Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo việc thể chế hóa các chủ trương, định hướng, nội dung, nhiệm vụ cải cách tư pháp”.

Tòa án nhân dân tối cao (sau đây viết tắt là TANDTC) đã có một lộ trình nghiên cứu, xây dựng, chuẩn bị cho việc phát triển án lệ như sau:

I. QUÁ TRÌNH NGHIÊN CỨU ÁN LỆ

1. Nghiên cứu kinh nghiệm áp dụng án lệ

- TANDTC nghiên cứu về lịch sử áp dụng án lệ trong lịch sử pháp luật Việt Nam qua các quy định trong các bản quy phạm pháp luật, mục bình luận án lệ trên các Tập san Luật học, Tập san Tư pháp,…

- TANDTC đã có lộ trình trong việc học hỏi và tiếp thu kinh nghiệm xây dựng và áp dụng án lệ từ các hệ thống pháp luật nước ngoài, thể hiện cụ thể trong các hoạt động sau:

+ TANDTC đã cử những cán bộ và chuyên gia nghiên cứu đến một số nước như Cộng hòa Liên bang Đức, Úc, Nhật, Hoa Kỳ, Ca-na-đa… để trao đổi kinh nghiệm về hoạt động của ngành Tòa án nói chung và kinh nghiệm phát triển, sử dụng án lệ trong hệ thống tòa án nói riêng thông qua hội thảovà công bố nhiều báo cáo về lợi ích và vai trò của việc thừa nhận và sử dụng án lệ trong thực tiễn xét xử.

+ Với sự trợ giúp của Dự án hợp tác kỹ thuật trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp (giai đoạn 3), thành viên nhóm công tác của TANDTC và các thành viên nhóm công tác phía Nhật Bản đã tiến hành xây dựng Nghiên cứu chung Việt - Nhật về việc phát triển án lệ tại Việt Nam (Nhà xuất bản Thanh niên phát hành).

2. Công bố các quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC- Tiền đề phát triển án lệ

Từ năm 2003, TANDTC đã tiếp nhận và cho triển khai sự tư vấn của nhóm các chuyên gia trong dự án “Star-Việt Nam” trong việc từng bước công bố có hệ thống các quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.

- TANDTC đã công bố 6 tập Quyết định Giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về tất cả các lĩnh vực hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, hành chính để phát hành Toà án nhân dân các cấp tham khảo.

- TANDTC đã công bố một số các quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, một số quyết định giám đốc thẩm của các tòa chuyên trách TANDTC trên Trang thông tin điện tử của TANDTC

Việc công bố công khai các quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TANDTC được coi là một bước chuẩn bị rất căn bản cho việc triển khai áp dụng án lệ ở Việt Nam.

3. Khảo sát, xin ý kiến bộ, ngành về vấn đề án lệ

Trong quá trình xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự, TANDTC đã tiến hành khảo sát ý kiến của các Thẩm phán, Thư ký ... về việc sử dụng án lệ trong công tác xét xử của Tòa án đưa thành nguyên tắc trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự. Về vấn đề này, đa số ý kiến bộ ngành nhất trí về sự cần thiết của việc áp dụng án lệ: Bộ Tư pháp, Chính phủ, Uỷ ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội luật gia Việt Nam. Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Các cơ quan, bộ ngành đề nghị cần nhắc những một số điểm để đảm bảo việc áp dụng án lệ một cách đúng đắn.

4. Nghiên cứu khoa học

- TANDTC dịch nhiều tài liệu liên quan đến sử dụng án lệ một số nước trên thế giới và thu thập hầu hết những bài viết liên quan đến án lệ để tham khảo và công bố công trình nghiên cứu liên quan đến án lệ trên Cuốn thông tin khoa học xét xử và tạp chí của TANDTC;

- TANDTC tổ chức nghiên cứu Đề tài khoa học cấp bộ về “Triển khai án lệ vào công tác xét xử của Tòa án Việt Nam” do Đồng chí Chánh án TANDTClàm chủ nhiệm đã bảo vệ thành công với kết quả xuất sắc vào ngày 07 tháng 7 năm 2012 (Hội đồng nghiệm thu Đề tài bao gồm các nhà khoa học thuộc Bộ tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao).

5. Xây dựng Đề án và tổ chức Hội thảo triển khai Đề án

- Tiếp thu các kết quả của các hoạt động trên, TANDTC đã xây dựng Dự thảo Đề án phát triển án lệ của TANDTC và xin ý kiến thành viên Hội đồng Thẩm phán, Ban cán sự TANDTC và các đơn vị của TANDTC. Ngày 31-10-2012, TANDTC đã ban hành Quyết định số 74/QĐ-TANDTC phê duyệt Đề án phát triển án lệ của TANDTC (sau đây gọi tắt là Quyết định số 74).

- TANDTC đã tổ chức Hội thảo triển khai Đề án phát triển án lệ của TANDTC tại thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 13-12-2012 và tại Hà Nội vào ngày 25-12-2012 với sự tham gia của lãnh đạo TANDTC và các chuyên gia về án lệ.

II. MỘT SỐ KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU ÁN LỆ

1. Khái quát về quá trình sử dụng án lệ trên thế giới và Việt Nam

1.1. Việc sử dụng án lệ trên thế giới

Trên thế giới từ lâu đã hình thành nguyên tắc “Stare decisis”, nghĩa là phải tuân theo các phán quyết đã có (án lệ bắt buộc). Theo nguyên tắc này, một phán quyết của Tòa án ngoài ý nghĩa là cách giải quyết một vụ án cụ thể, còn có ý nghĩa thiết lập ra một “tiền lệ” để áp dụng cho những vụ án tương tự sau này, tạo ra sự bình đẳng trong việc xét xử giúp tiên lượng được trước kết quả của các vụ tranh chấp; điều này giúp các bên lưu ý khi đàm phán, soạn thảo hợp đồng, tiết kiệm công sức của các Thẩm phán và các doanh nhân tham gia tranh tụng vì sử dụng những tình huống tương tự đã được giải quyết làm căn cứ giải quyết vụ việc,…

Trên thế giới hình thành hai trường phái án lệ, đó là: “án lệ ràng buộc” và “án lệ thuyết phục”. Tuy nhiên, việc phân biệt này không phải lúc nào cũng rõ ràng. Án lệ ràng buộc hoặc bắt buộc chính là luật và được lập ra và phải được tôn trọng và tuân thủ theo. Án lệ có sức thuyết phục là án lệ có tính phù hợp và có sức ảnh hưởng nhưng không nhất thiết phải được áp dụng. Đối với các nước thuộc Hệ thống Common Law theo trường phái án lệ ràng buộc, đối với các nước thuộc hệ thống Civil Law theo trường phái án lệ thuyết phục.

Đối với các nước thuộc hệ thống Common Law (như Anh, Mỹ, Úc, Ca-na-đa, Niu Di-lân,…) thì án lệ bao gồm những nguyên tắc hoặc quy tắc rút ra từ một vụ án trước đó hoặc một loạt vụ án mà các tòa án khác phải, nên, hoặc có thể sử dụng và áp dụng khi quyết định một vụ án sau này với những vấn đề pháp lý hoặc tình tiết thực tế tương tự; trong đó, tòa án cấp dưới có nghĩa vụ tuân theo án lệ của tòa án cấp trên. Ví dụ: Ở Úc, án lệ có vai trò lấp khoảng trống khi không có luật điều chỉnh và giải thích văn bản pháp luật khi còn nhiều cách hiểu khác nhau, về nguyên tắc tòa án cấp dưới có nghĩa vụ phải tuân thủ tuyệt đối án lệ của tòa án cấp trên, kể cả trường hợp tòa án cấp dưới không đồng tình án lệ của tòa án cấp trên hoặc trường hợp Nghị viện không đồng tình với cách giải quyết của tòa án thì Nghị viện không có quyền làm thay đổi án lệ. Nếu muốn thay đổi án lệ thì Nghị viện ban hành văn bản pháp luật để quy định về vấn đề đó, khi đó tòa án tuân theo quy định của văn bản pháp luật.

Đối với các nước trong hệ thống Civil Law (Pháp, Đức, Ý, Nhật bản, Nga...) thì án lệ lại chỉ được coi là nguồn thứ yếu sau hệ thống các văn bản thuộc luật thành văn, chỉ có những quy định mang tính nguyên tắc, không quy định chi tiết nhưng có vai trò và tầm quan trọng riêng. Pháp luật không quy định tòa án cấp dưới có nghĩa vụ phải tuân theo án lệ của tòa án cấp trên đối với những vụ án có nội dung tương tự nhưng thực tiễn cho thấy án lệ của tòa án cấp trên có hiệu lực ràng buộc nhất định.

Ví dụ: Ở Nhật bản, tại khoản 3 Điều 76 Hiến pháp Nhật bản có quy định: “Tất cả các Thẩm phán độc lập làm việc theo lương tâm và chỉ bị ràng buộc bởi Hiến pháp và pháp luật”. Tuy nhiên, trong thực tiễn thì án lệ có tính ràng buộc rất cao. Trong trường hợp tòa án cấp dưới không tuân theo án lệ của tòa án cấp trên (đặc biệt bản án của TANDTC Nhật bản) thì bản án của tòa án cấp dưới có thể bị hủy, khi có kháng cáo (ở Nhật bản không có trình tự giám đốc thẩm, mà bản án, quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm là cuối cùng. Riêng cấp phúc thẩm có phúc thẩm lần một và phúc thẩm lần hai “kháng cáo Jokoku”).

Trong lĩnh vực thương mại, đặc biệt là thương mại quốc tế, từ lâu án lệ luôn được sử dụng như là một cách thức để Tòa án, trọng tài thương mại dựa vào để giải quyết các vụ tranh chấp thương mại. Chẳng hạn, ngay cả WTO dù không công nhận nguyên tắc án lệ, nhưng trong thực tiễn giải quyết tranh chấp quốc tế, các Ban hội thẩm thường dựa rất nhiều vào việc tham khảo cách thức giải quyết của các Ban hội thẩm trước đó qua những vụ việc tương tự. Điểm khác là, các bản án xét xử này chỉ có giá trị tham khảo chứ không trở thành các quy định có tính bắt buộc như ở hệ thống các quốc gia theo thông luật.

1.2. Án lệ đã từng được sử dụng trong lịch sử pháp luật Việt Nam

Từ sau năm 1945, từ “án lệ” đã được sử dụng trong văn bản pháp luật, trên các Tập san luật học của chế độ ta thông qua những minh họa cụ thể như sau:

Tại Thông tư của Thủ tướng Chính phủ số 442/TTG, ngày 19-1-1955 về việc trừng trị một số tội phạm có nội dung như sau: “… Tới nay, các Tòa án căn cứ vào những văn bản nói trên và chính sách trừng trị của Chính phủ mà xét xử đem lại kết quả tốt cho việc bảo vệ trật tự, an ninh. Kinh nghiệm xét xử về một số loại phạm pháp đã được trở thành án lệ.

Tuy nhiên án lệ ấy còn khác nhau giữa các địa phương. Đường lối xét xử do đó không được thống nhất, rõ ràng và có nơi không được đúng. Cần phải thống nhất những án lệ ấy trong quy định chung sau đây để hướng dẫn các Tòa án trừng trị một số tội phạm thông thường...”.

Tại Thông tư số 19-VHH ngày 30-6-1955 của Bộ Tư pháp về việc áp dụng luật lệ có nêu: “2,-Nếu chỉ có luật hình cũ, chưa có sắc lệnh mới, mà xét cần trừng phạt thì cũng không viện dẫn luật hình cũ, Tòa án sẽ căn cứ vào đường lối truy tố xét xử, vào các yêu cầu chung và cụ thể đối với từng sự việc, vào án lệ”.

Tại Chỉ thị số 772-TATC ngày 10-7-1959 của TANDTC về vấn đề đình chỉ áp dụng luật pháp cũ của đế quốc và phong kiến, cũng nêu: “Để xét xử các vụ án hình sự và dân sự, cần áp dụng luật pháp của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã ban hành từ trước đến giờ (luật, sắc lệnh, nghị định, thông tư…) đường lối chính sách của Đảng và Chính phủ, án lệ của các Tòa án, của Tòa án tối cao”.

Thông tư số 92-TC ngày 11-11-1959 của Bộ Tư pháp – TANDTC giải thích và quy định cụ thể về nhiệm vụ và quyền hạn của các TAND phúc thẩm Hà Nội, Hải Phòng và Vinh, chỉ rõ: “TAND phúc thẩm chỉ đạo công việc xét xử của các TAND cấp dưới thông qua án lệ của mình”.

Tại Tập san Luật học số 4 năm 1957 ra ngày 15-10-1957 do Hội luật gia Việt Nam xuất bản có mục Án lệ, trong đó có đề cập đến án lệ để giải quyết vấn đề chồng liên đới trả nợ cho vợ của tác giả Nguyễn Xuân Dương. Trong mục này, tác giả Nguyễn Xuân Dương đã chỉ ra đường lối xét xử của TAND thành phố Hà nội đã xét xử 05 vụ án liên quan đến việc liên đới trả nợ, mặc dù vợ là người vay tiền nhưng Tòa án vẫn buộc chồng phải chịu trách nhiệm về việc vợ vay tiền, hai vụ chồng tự ý nhận trả nợ cho vợ và một vụ bác lời thỉnh cầu của nguyên đơn tách chồng ra khỏi vụ kiện; sau đó tác giả nêu những nhận xét của mình trên cơ sở căn cứ vào Sắc lệnh 97-SL ngày 22-5-1950 của Chủ tịch Chính phủ nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa và Hiến pháp năm 1946, đi đến kết luận theo quan điểm của tác giả thì: “theo pháp lý hiện tại, Tòa án chỉ có thể xử bắt người chồng phải liên đới giả nợ cho người vợ trong những trường hợp món nợ đó có làm lợi cho gia đình, nếu không phải là trường hợp hai người cùng đứng vay hoặc cùng kinh doanh. Để nhận định món nợ đã làm lợi cho gia đình thì phải có những bằng chứng cụ thể rõ rệt. Nếu chỉ dựa trên pháng đoán (Vụ bà Nguyễn Thị Sinh kiện bà Trần Thị Tâm) hoặc dựa trên sự việc chồng cho phép buôn bán hay không ngăn cản việc buôn bán rồi do đó mà có nợ để nhận định là chưa đủ lẽ”.

Tại Tập san Luật học số 5 năm 1958 ra ngày 15-1-1958 do Hội luật gia Việt Nam xuất bản có mục Bình luận án lệ: Hứa mua, hứa bán nhà đất ở thành phố của Nguyễn Xuân Dương. Trong mục này, tác giả Nguyễn Xuân Dương đã nêu tình hình các vụ kiện, đưa ra hai vụ kiện tác giả cho là điển hình về vấn đề này và chỉ ra đường lối xét xử của TAND sơ thẩm Hà Nội và TAND phúc thẩm Hà Nội về vụ Ông Hoàng Văn Khác hứa bán cho ông Nguyễn Đình Nhất nhà số 28 Phố Triệu Việt Vương năm 1956. Sau đó tác giả nhận xét rằng TAND sơ thẩm Hà Nội đã chiếu Sắc lệnh ngày 10-10-1945 áp dụng Điều 882 Luật hộ Bắc kỳ cũ xử vụ kiện này là không đúng. TAND phúc thẩm Hà nội đã bác của TAND sơ thẩm, xử bắt ông Khác phải bán nhà cho ông Nhất là đúng lẽ nhưng đã xử bắt bán với giá đã hứa trước, mặc dầu giá nhà trong thành phố đã vọt lên cao và nhận xét: “Theo ý kiến riêng của chúng tôi sau khi nghiên cứu để rút kinh nghiệm về một số vụ án về việc hứa mua hứa bán, chúng tôi thấy rằng gặp những vụ tương tự như vụ ông Nhất kiện ông Khác, nên hòa giải để hai bên có sự tương nhượng nhau, nếu hòa giải không thành mà xử bắt người hứa bán phải bán như đã hứa thì nên đồng thời điều chỉnh lại giá cả”.

Tập san Tư pháp (nay là Tạp chí TAND) số 3 năm 1964, trong mục “Thuật ngữ luật học” có giải thích: “Án lệ là một danh từ cũ đã được dùng từ thời Pháp thuộc. Án lệ là những quy tắc do các Tòa án trong khi vận dụng pháp luật để xét xử các vụ án cụ thể đã hình thành dần dần bằng cách hiểu và có thái độ giải quyết giống nhau một số điểm pháp lý, áp dụng luật một cách giống nhau trong nhiều vụ án”.

Tập san Tư pháp số 1 năm 1965 đã mở mục “Bình luận án lệ”, tòa soạn đã có vài dòng mở đầu: “Từ số này, Tập san Tư pháp sẽ mở thêm mục “Bình luận án lệ” để…”. Tuy nhiên, mục này chỉ thực hiện được 5 số, đến số 6 năm 1965 thì chỉ gọi là “Bình luận án” mà không có sự giải thích nào từ tòa soạn.

Nhìn chung, ở Việt Nam việc sử dụng khái niệm “án lệ” có từ trước năm 1960, khái niệm “án lệ” đã tồn tại và được sử dụng trong các văn bản pháp luật chính thức, công khai trên các tạp chí chuyên ngành, đường lối xét xử của Tòa án về những vụ việc cùng loại được tập hợp, phân tích, bình luận. Tuy nhiên, từ sau năm 1960, khái niệm “án lệ” không được sử dụng, thay vào đó thuật ngữ “luật lệ” được sử dụng nhiều như sách Luật lệ của nước Việt – Nam dân chủ cộng hòa do Viện kiểm sát nhân dân tối cao xuất bản, sách Tập luật lệ tư pháp của Bộ Tư pháp… Từ sau năm 1975 đến trước năm 2006 thì khái niệm án lệ hầu như không được sử dụng chính thức, trong các sách báo pháp lý khái niệm án lệ vẫn được bàn luận nhưng chỉ mang tính chất nghiên cứu học thuật. Khái niệm án lệ hay hệ thống án lệ theo một nghiên cứu mới đây tại Việt Nam như sau: “là chế độ trong đó Thẩm phán tiến hành xét xử không mâu thuẫn với quan điểm pháp lý được thể hiện trong phần xét xử của Tòa án cấp cao nhất của một nước đối với các vụ án tương tự” .

Khái niệm án lệ tiếp tục được sử dụng chính thức tại Nghị quyết số 49-NQ/TW như sau: “TANDTC có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm” và “án lệ” đang dần được khẳng định vai trò của mình, biểu hiện cụ thể cho việc này chính là việc TAND các cấp tham khảo Quyết định của các Tòa chuyên trách, Quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC và thông qua việc Tổng kết rút kinh nghiệm, phát hành Quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC đến Tòa án các cấp.

Việt Nam đang nỗ lực hội nhập nền kinh tế quốc tế, tham gia vào các điều ước thương mại quốc tế song phương hoặc đa phương và gia nhập WTO. Thực tiễn này đặt ra yêu cầu là công tác tài phán phải tiếp cận các vụ án có yếu tố nước ngoài. Điều này tạo được sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế như là một điều kiện quan trọng để các doanh nhân có thể yên tâm về việc lựa chọn tài phán tại Việt Nam thay vì phải đưa vụ tranh chấp ra các cơ quan tài phán của nước ngoài. Mặt khác, việc sử dụng án lệ tạo ra sự bình đẳng trong việc xét xử các vụ giống nhau, góp phần giải thích các quy định chưa rõ của pháp luật, tiên đoán được kết quả giải quyết vụ án, tăng cường giáo dục pháp luật, tạo niềm tin cho các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước về tính minh bạch, công khai của hệ thống Tòa án.

2. Triển vọng của việc triển khai án lệ trong công tác xét xử của Tòa án Việt Nam

- Hiện nay, pháp luật nước ta không có một quy định trực tiếp rằng các Thẩm phán thuộc Tòa án cấp d­ưới phải tuân theo án lệ của Tòa án tối cao và không có quy định cụ thể nào để chỉ ra Tòa án tối cao là cơ quan duy nhất ban hành ra án lệ. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 19 Luật Tổ chức TAND năm 2002 đã quy định TANDTC có nhiệm vụ và quyền hạn “Hướng dẫn các Tòa án áp dụng thống nhất pháp luật, tổng kết kinh nghiệm xét xử của các Tòa án”. Vì vậy, trong thực tiễn xét xử của ngành Tòa án, các Tòa án cấp d­ưới vẫn thường xuyên cập nhật “án lệ” của Tòa án cấp trên.

- Do án lệ có ý nghĩa và vai trò trong hoạt động xét xử của các Tòa án nên việc nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu để trong tương lai có thể vận dụng nguyên lý về hình thành và áp dụng án lệ trong hoạt động xét xử của Tòa án là rất cần thiết; có ý nghĩa cả lý luận và thực tiễn.

- TANDTC đã có một lộ trình trong việc học hỏi và tiếp thu kinh nghiệm xây dựng và áp dụng án lệ từ các hệ thống pháp luật nước ngoài.Qua nghiên cứu những học thuyết về án lệ và thực tiễn áp dụng của các nước theo hệ thống Common Law hay hệ thống Civil Law thấy rằng, việc sử dụng án lệ trong công tác xét xử không còn là vấn đề mới, thực tế được sử dụng ở hầu hết các nước trên thế giới, ở Việt Nam khái niệm án lệ còn ít được nhắc đến, nhưng án lệ đã được sử dụng trong thực tiễn xét xử. Việc triển khai án lệ trong thực tiễn xét xử ở Việt Nam trở thành hiện thực sẽ góp phần hiện thực hóa những chỉ đạo của Đảng ta về chiến lược cải cách tư pháp ở Việt Nam trong những năm tới.

3. Mục tiêu, quan điểm, định hướng phát triển án lệ tại Việt Nam

3.1. Mục tiêu

- Nâng cao chất lượng của bản án, quyết định của ngành Tòa án nói chung, đặc biệt là Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC và các Tòa chuyên trách TANDTC; chuẩn hóa việc viết bản án, quyết định của Tòa án.

- Đảm bảo việc áp dụng pháp luật đúng, thống nhất, từ đó đảm bảo sự bình đẳng của mọi tổ chức và công dân trước pháp luật: thông qua việc tham khảo, viện dẫn án lệ đã có, Thẩm phán có thể đưa ra phán quyết một cách có cơ sở hơn, ngăn ngừa sự duy ý chí của Thẩm phán khi áp dụng pháp luật, số lượng bản án, quyết định bị Tòa án cấp trên hủy, sửa sẽ giảm.

3.2. Quan điểm chỉ đạo

- Án lệ là Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC và Quyết định giám đốc thẩm của Tòa chuyên trách TANDTC được Hội đồng Thẩm phán TANDTC thông qua, trở thành án lệ có giá trị tham khảo đối với Thẩm phán khi giải quyết các vụ việc cụ thể.

- Để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử TANDTC có thẩm quyền ban hành án lệ, có quyền giám sát các Tòa án cấp dưới trong việc tham khảo, viện dẫn án lệ của TANDTC

- Áp dụng án lệ không cứng nhắc, TANDTC thay đổi án lệ khi có sự sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật và sự thay đổi đường lối xét xử.

3.3. Định hướng

a) Án lệ có giá trị tham khảo đối với Thẩm phán khi giải quyết các vụ việc cụ thể

- Việc sử dụng án lệ chỉ coi là thứ yếu, sau văn bản quy phạm pháp luật và không phải là Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, án lệ được ban hành khi chưa có Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC;

- TANDTC ban hành các “Tuyển tập án lệ” (các án lệ của Hội đồng Thẩm phán TANDTC; các Quyết định giám đốc thẩm của Toà chuyên trách TANDTC được Hội đồng Thẩm phán TANDTC thông qua, trở thành án lệ và đưa vào “Tuyển tập án lệ”);

- TANDTC khuyến khích các Tòa án khi xét xử viện dẫn án lệ của TANDTC. Việc viện dẫn án lệ vào một quyết định của Tòa án không có nghĩa án lệ là cơ sở pháp lý cho quyết định của vụ án mà Tòa án xét xử. Cơ sở cho quyết định của Tòa án phải dựa trên cơ cở pháp luật trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật. Viện dẫn án lệ là cách bày tỏ quan điểm về sự tôn trọng tính thống nhất trong áp dụng pháp luật của Thẩm phán, đảm bảo tính chặt chẽ và tính có căn cứ trong quyết định của mình, Thẩm phán tự mình quyết định có theo đường lối xét xử trong án lệ viện dẫn hay không;

- TANDTC giám sát các Tòa án cấp dưới trong sử dụng án lệ để đảm bảo tính thống nhất trong việc áp dụng pháp luật. Khi xét xử các vụ việc liên quan đến quyết định đã trở thành án lệ, các Thẩm phán phải có trách nhiệm viện dẫn án lệ, áp dụng án lệ đó nếu nhận thấy vụ việc đang xét xử có tính tương tự. Trường hợp không áp dụng án lệ thì phải chỉ ra lý do chính đáng khi không áp dụng án lệ.

b) Án lệ có thể thay đổi nếu thấy cần thiết

Án lệ bị bãi bỏ trong một số trường hợp sau đây:

- Án lệ bị bãi bỏ khi văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành, thay đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật cũ hoặc quy định những vấn đề pháp lý mà án lệ đề cập đến.

- Án lệ có thể bị bãi bỏ bởi Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã thiết lập ra án lệ, việc bãi bỏ án lệ của TANDTC do chính TANDTC thực hiện.

c) Điều kiện để quyết định trở thành án lệ

Quyết định trở thành án lệ là Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC và Quyết định giám đốc thẩm của Toà chuyên trách TANDTC được Hội đồng Thẩm phán TANDTC thông qua khi hội đủ ba điều kiện sau:

- Là quyết định chứa đựng sự giải thích, lập luận cho một hoặc một số các văn bản quy phạm pháp luật (Văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật) về một vấn đề pháp lý đặt ra chưa được văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật đề cập hoặc đề cập còn chung chung, thiếu tính cụ thể hoặc có mâu thuẫn;

- Được Hội đồng Thẩm phán TANDTC hoặc các Thẩm phán viện dẫn làm căn cứ trong phần lập luận, quyết định của bản án, quyết định về vụ án cụ thể;

- Là Quyết định giám đốc thẩm của TANDTC sau cùng về vấn đề pháp lý đó mà được các Toà án khác vận dụng giải quyết vụ việc có nội dung tương tự.

d) Mối quan hệ giữa án lệ và văn bản quy phạm pháp luật

- Án lệ bổ trợ cho các văn bản quy phạm pháp luật: các quy phạm pháp luật trong các văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng khi xét xử và án lệ là để định hướng cho Tòa án các cấp áp dụng pháp luật thống nhất, chính xác, giải quyết vụ việc khi không có văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật điều chỉnh;

- Án lệ là sự bổ sung cho sự thiếu hụt của các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật khi chưa có văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật điều chỉnh. Khi các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành những văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh những vấn đề được án lệ giải quyết trước đó thì án lệ đó không được áp dụng nữa.

đ) Mối quan hệ giữa án lệ và vấn đề giải thích pháp luật

Việc thừa nhận thẩm quyền ban hành án lệ để áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử không xâm phạm đến thẩm quyền giải thích pháp luật của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Bởi vì, quyết định của TANDTC trái với giải thích pháp luật của Ủy ban thường vụ Quốc hội thì không thể trở thành án lệ.

4. Những thuận lợi, khó khăn khi triển khai án lệ tại Việt Nam

4.1. Những thuận lợi cho việc triển khai án lệ ở Việt Nam

Thứ nhất, trong những năm gần đây có được một thuận lợi lớn nhất chính là sự định hướng chính sách từ Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 2/6/2005 về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” đã chỉ rõ việc phát triển án lệ và trọng trách được giao cho TANDTC là một nhiệm vụ quan trọng trong cải cách tư pháp trong những năm tới.

Thứ hai, việc triển khai phát triển án lệ ở Việt Nam hiện nay sẽ giải quyết được một trong những bất cập của việc thiếu tính thống nhất áp dụng pháp luật trong thực tiễn xét xử.

Thứ ba, Việt Nam cũng đã có những nền tảng và kinh nghiệm thông qua việc tổng kết kinh nghiệm xét xử của các TAND.

Thứ tư, việc triển khai áp dụng án lệ trong ngành Tòa án của nước ta đang được hỗ trợ bởi rất nhiều các điều kiện như: Kể từ năm 2004 đến nay, TANDTC đã ngày càng chú trọng đến chất lượng và quy mô công bố các quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TANDTC.

Thứ năm, trong những năm gần đây tư duy nhận thức của thẩm phán, luật gia ở Việt Nam về vai trò và chức năng của án lệ trong hệ thống pháp luật ngày càng được mở rộng.

4.2. Những khó khăn cho việc triển khai phát triển án lệ ở Việt Nam

Có thể nói rằng cho đến nay án lệ vẫn chưa được thừa nhận rộng rãi ở Việt Nam.

Thứ nhất, khó khăn trước hết cho việc triển khai án lệ ở Việt Nam là do những cản trở về tư duy nhận thức về án lệ. Khi nói đến án lệ đã có nhiều quan điểm cho rằng án lệ chỉ thích hợp với những nước trong hệ thống Common Law. Điều này là một nhận thức hết sức hạn chế và cản trở cho việc tiếp nhận hợp lý những nhân tố phù hợp của án lệ vào hệ thống pháp luật Việt Nam. Án lệ đã và đang tồn tại và phát huy những tác dụng tích cực của nó trong những hệ thống pháp luật thuộc hệ thống Civil Law.

Thứ hai, án lệ có liên quan mật thiết với hệ thống pháp luật ở Việt Nam. Hiện nay, quan điểm cứng nhắc về pháp luật vẫn ngự trị trong tư duy của rất nhiều người cho rằng khái niệm về pháp luật gắn với luật thực định hay nói cách khác pháp luật chính là hệ thống các văn bản quy pháp pháp luật được nhà nước ban hành theo một trình tự thủ tục nhất định.

Thứ ba, việc thừa nhận và triển khai áp dụng án lệ ở Việt Nam đang gặp phải những cản trở rất lớn là còn có những hạn chế về nhận thức sử dụng án lệ, như: Thẩm phán sẽ viện dẫn án lệ như thế nào? Án lệ có phải là cơ sở pháp lý để cho quyết định của thẩm phán khi xét xử hay không?

Thứ tư, việc phát triển án lệ ở Việt Nam hiện nay cũng đang gặp những khó khăn nhất định trong việc TANDTC chưa có một cơ chế lựa chọn các quyết định, bản án quan trọng có tính hướng dẫn áp dụng pháp luật để công bố.

Thứ năm, khó khăn trong việc triển khai án lệ ở Việt Nam còn nằm ở chỗ trình độ của nhiều Thẩm phán trong đội ngũ thẩm phán còn hạn chế.

Thứ sáu, hiện nay chưa có một cơ chế khen thưởng và giám sát chặt chẽ trong việc thực hiện áp dụng thống nhất pháp luật trong hoạt động xét xử.

5. Đề xuất ban hành các quy phạm pháp luật làm cơ sở pháp lý cho việc phát triển án lệ

Theo Kết luận số 62-KL/TW ngày 14-5-2013 của Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa XI về việc tiếp thu ý kiến nhân dân hoàn thiện bản Sửa đổi Hiến pháp năm 1992 thì: “Án lệ là vấn đề mới, chưa được nghiên cứu kỹ, nên không quy định trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp; tiếp tục nghiên cứu, nếu thấy phù hợp thì quy định trong Luật”.

Về vấn đề này, từ trước đến nay, TANDTC được giao nhiệm vụ, quyền hạn hướng dẫn các Tòa án áp dụng thống nhất pháp luật, tổng kết kinh nghiệm xét xử của các Toà án. Việc bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong công tác xét xử được thực hiện bằng hình thức ban hành các Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán hoặc phối hợp với các cơ quan hữu quan ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn áp dụng pháp luật khác; TANDTC cũng đã phát hành tuyển tập các bản án, quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC để Tòa án các cấp tham khảo trong công tác xét xử.

Để thực hiện định hướng phát triển án lệ đã được nêu tại Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị “về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020”, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 “Về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”; mặt khác để hỗ trợ thực hiện tốt chức năng tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, thuận lợi cho việc tiếp tục triển khai án lệ, phù hợp với việc Việt Nam là nước theo hệ thống pháp luật thành văn cần sửa đổi bổ sung Hiến Pháp Việt Nam năm 1992 và những văn bản pháp luật khác có liên quan trong pháp luật Việt Nam, cụ thể:

Điều 134[1]của Hiến pháp năm 1992 cần được bổ sung theo hướng TANDTC có thẩm quyền tổng kết thực tiễn và giải thích pháp luật liên quan đến hoạt động xét xử.

Đồng thời bổ sung nguyên tắc ban hành và sử dụng án lệ vào Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

 

TS. Nguyễn Văn Cường

Thẩm phán-Phó Viện trưởng VKHXX TANTC

 

(Bài tham luận tại Hội thảo”Án lệ trong hệ thống Thông luật và châu Âu lục địa: hiến kế cho việc xây dựng và áp dụng án lệ tại Việt Nam". Tổ chức tại Trường ĐH Luật TP.HCM 24/4/2014)



[1] Hiện nay Điều 134 của Hiến pháp năm 1992 quy định: “TANDTC là cơ quan xét xử cao nhất của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. TANDTC giám đốc việc xét xử của các TAND địa phương và các Tòa án quân sự.TANDTC giám đốc việc xét xử của Tòa án đặc biệt và các Tòa án khác, trừ trường hợp Quốc hội quy định khác khi thành lập tòa án đó.”

  Doanh nghiệp liên kết
 
Công ty TNHH Tư vấn & Đào tạo A.G.L
Email: JLIB_HTML_CLOAKING
Hotline: 0988890358
              0938877897
   TƯ VẤN PHÁP LUẬT
 
    Hot line: 093.8877.897
 
Số lượng truy cập
2662003
TodayToday52
YesterdayYesterday366
This WeekThis Week1668
This MonthThis Month10652
All DaysAll Days2662003
Highest 01-12-2015 : 9844