• 1-bat buoc chuyen giao.jpg
  • 2-technology transfer.jpg
  • 3-tpqt.jpg
  • 4-huong dan mon tpqt.jpg
  • 5-nhap mon tdst.jpg
  • 6-giai thich phap luat.jpg
  • 7-giao trinh shtt.jpg
  • 8-giao trinh tpqt-1.jpg
  • giao trinh 9-tpqt2.jpg

Pháp luật sở hữu trí tuệ

Thứ hai, 16 Tháng 6 2014 01:31
Share on Facebook

MÔ HÌNH HẠ TẦNG CNTT-TT HỖ TRỢ BẢO HỘ QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ TRÊN MẠNG INTERNET VÀ VAI TRÒ CỦA NHÀ NƯỚC

 

                                                          TS. Hoàng Lê Minh

 

Viện trưởng Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số VN

 

I. Vai trò quan trọng của hạ tầng CNTT-TT quốc gia

 

Hạ tầng CNTT-TT quốc gia là thành phần hết sức quan trọng để vận hành các ứng dụng CNTT phục vụ quản lý nhà nước, quản lý xã hội, cung cấp dịch vụ công, phát triển kinh tế, thương mại, văn hoá, giáo dục, y tế. Hạ tầng CNTT-TT hay còn gọi là môi trường số này cần được xây dựng, quản lý và vận hành theo với mô hình phù hợp, đáp ứng được các nhu cầu cơ bản về lưu trữ, xử lý và trao đổi dữ liệu, đảm bảo an toàn - an ninh thông tin quốc gia. Trong một phạm vi nào đó, hạ tầng này cũng cần hỗ trợ tốt cho việc bảo hộ bản quyền tác giả đối với các nội dung số và dịch vụ CNTT được cung cấp qua mạng.

 

Cũng giống như hạ tầng giao thông vận tải dựa trên hệ thống đường xá, cầu cống, bến bãi... hạ tầng CNTT-TT quốc gia được xây dựng và vận hành trên nền tảng các mạng máy tính nội bộ, mạng đô thị, mạng diện rộng và Internet,  mạng kết nối viễn thông bằng cáp đồng, cáp quang, vô tuyến không dây, di động, các đài, trạm nội hạt, các cổng kết nối ra quốc tế... cùng với các trung tâm dữ liệu và trung tâm quản lý điều hành, nơi vận hành các máy chủ, thiết bị mạng, thiết bị kiểm soát và bảo mật, hệ thống quản lý địa chỉ IP, tên miền và các tài nguyên quốc gia khác. Phần lớn hạ tầng “phần cứng” này do các doanh nghiệp viễn thông - Internet của Việt nam đầu tư, xây dựng, vận hành.

 

Quản lý để khai thác một cách có hiệu quả hạ tầng CNTT-TT quốc gia, tạo môi trường thuận lợi mà trên đó tất cả các doanh nghiệp có năng lực cung cấp thông tin và dịch vụ, từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đến những doanh nghiệp lớn chi phối hạ tầng đều có thể bình đẳng tham gia xây dựng, vận hành, cung cấp các nội dung số và dịch vụ CNTT, tuân thủ các quy định của pháp luật và với chi phí hợp lý là trách nhiệm quan trọng của Nhà nước.

 

2. Môi trường kết nối mở của Internet và những vấn đề pháp lý

 

            Cũng tương tự như hạ tầng giao thông được sử dụng cho các phương tiện vận tải có thể đi lại thông thoáng, môi trường số (mạng Internet) được xây dựng từ đầu dựa trên tư tưởng kiến trúc hoàn toàn mở, cho phép các thiết bị kết nối mạng được gán địa chỉ IP đều có thể dễ dàng kết nối và trao đổi dữ liệu với nhau mà không đòi hỏi thêm bất cứ điều kiện gì. Với sự phát triển rất nhanh chóng của mạng Internet chỉ qua nửa thế kỷ, số lượng địa chỉ IP (phiên bản 4), với hơn 4,4 tỷ địa chỉ đã cạn kiệt, buộc giới công nghệ phải đưa ra phiên bản địa chỉ IPv6 mới hơn với 340.282.366.920.938.463.463.374.607.431.768.211.456 địa chỉ IP khác nhau ! Tuy nhiên việc thay đổi công nghệ từ IPv4 sang IPv6 đòi hỏi rất nhiều chi phí liên quan tới thiết bị, hạ tầng, phần mềm và đây là quá trình chuyển đổi không dễ dàng đối với các quốc gia đi sau về hạ tầng như Việt Nam (Hoa kỳ, Châu Âu là các quốc gia đang sở hữu nhiều địa chỉ IPv4 nên chưa có nhu cầu chuyển đổi trên diện rộng).

 

            Để khắc phục tình trạng thiếu địa chỉ IP, nhiều công nghệ kết nối mạng đã ra đời, đặc biệt là việc sử dụng rộng rãi các kết nối mạng ảo, kết nối mạng dùng riêng bằng các địa chỉ IP nội bộ, các kỹ thuật “ánh xạ” địa chỉ và cổng kết nối để một địa chỉ IP có thể sử dụng cho hàng chục nghìn kết nối mạng khác nhau. Điều này đã dẫn tới tình trạng kết nối mạng công cộng Internet như hiện nay không những không thể kiểm soát được tính chính danh của các địa chỉ IP, mà còn dễ dàng để những phần tử xấu lợi dụng phát tán hoặc ăn cắp thông tin nội dung số, phá hoại các dịch vụ CNTT trên mạng bằng các cuộc tấn công từ chối dịch vụ ở quy mô lớn, có thể làm tê liệt hạ tầng CNTT-TT của cả một quốc gia.

 

            Có thể so sánh tình trạng hoạt động của mạng Internet ngày nay, với mô hình mở đón nhận mọi kết nối giống như một hệ thống giao thông mà trên đó các phương tiện không cần đăng ký lưu hành, người điều khiển phương tiện không cần bằng lái, các vi phạm giao thông rất khó xử lý bởi tính “nặc danh” hoàn toàn của phương tiện và người điều khiển ! Đây chính là khó khăn lớn nhất, là môi trường dễ dàng cho các vi phạm về bản quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường số với nguy cơ ngay càng khó bị phát hiện và xử lý.   

 

3. Đề xuất mô hình quản lý cung cấp thông tin - dịch vụ CNTT trên mạng Internet dựa trên hệ thống quản lý định danh và công nghệ điện toán đám mây

 

            Để khắc phục tình trạng lộn xộn, nặc danh, chối bỏ không thừa nhận hành vi xâm phạm các quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả cũng như bảo vệ các hoạt động kinh doanh trên mạng, tại nhiều quốc gia và qua từng thời kỳ đã có nhiều giải pháp, mô hình quản lý, cấp phép việc cung cấp và sử dụng dịch vụ thông tin trên mạng được áp dụng, với các ưu và nhược điểm khác nhau.

 

            Có thể điểm qua một số mô hình đã được ứng dụng trên thực tế ở Việt nam, dựa vào kinh nghiệm quốc tế:

 

            3.1. Mô hình quản lý dựa trên các quy định hành chính (đăng ký địa chỉ IP, địa chỉ thuê bao dịch vụ viễn thông, người sử dụng dịch vụ mạng Internet).

 

            Phương pháp quản lý hành chính đã được nhiều quốc gia áp dụng khi đăng ký cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng Internet. Tại Việt nam cũng đã có thời kỳ Nhà nước yêu cầu người sử dụng dịch vụ Internet tại các địa điểm truy cập công cộng (Cafe Internet) phải xuất trình CMND, chủ thể sử dụng các điạ chỉ IP phải chịu trách nhiệm về việc phát tán hoặc ăn cắp thông tin từ địa chỉ IP do mình quản lý. Nghị định mới nhất của Chính phủ (Nghị định 72) và Thông tư (do Bộ Thông tin và truyền thông đang soạn thảo) liên quan tới quản lý hoạt động của mạng Internet cũng hướng tới mô hình này.

 

            Các quy định mang tính hành chính trong quản lý dịch vụ CNTT-TT trên mạng Internet sẽ chỉ phát huy hiệu lực khi mọi hành vi vi phạm được quy kết cụ thể cho đối tượng sử dụng mạng, với đầy đủ các chứng cơ vi phạm, thời gian vi phạm, địa điểm vi phạm... Để thu thập được đầy đủ các thông tin chứng cớ mang tính kỹ thuật này, cơ quan quản lý và thực thi pháp luật sẽ cần rất nhiều thời gian, công sức và chi phí, cũng đồng nghĩa với việc xử lý các vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ trên mạng Intenet là không đơn giản, thậm chí đôi khi còn rất khó khăn, bất khả thi nếu các chứng cứ được tạo dụng là giả mạo, không có biện pháp kỹ thuật để xác thực.

 

            3.2. Mô hình quản lý dựa trên cấp phát và xác thực chứng thư số (đăng ký sử dụng chữ ký điện tử, thẻ thông minh, các token mật khẩu).

 

            Đây là mô hình quản lý hoàn thiện nhất, nhưng cũng tốn kém nhất về mặt chi phí và công nghệ, nên không thể áp dụng rộng rãi cho các loại hình cung cấp thông tin và dịch vụ qua mạng Internet công cộng.

 

            Tâm lý chung của các nhà cung cấp thông tin và dịch vụ trên mạng Internet là cần một môi trường thông thoáng, dễ dàng kết nối và sử dụng dịch vụ cho người sử dụng.  Nếu cần người dùng đăng ký thi quy trình này phải là tối thiểu, có thể chấp nhận các đăng ký ẩn danh, nặc danh để sử dụng thử và sử dụng miễn phí dịch vụ trong một thời gian.

 

            Việc đăng ký quá dễ dàng hoặc quá khó khăn các chứng thư số hay định danh do từng nhà cung cấp quản lý sẽ dẫn đến tình trạng vô hiệu hoá hệ thống quản lý định danh, gây bất tiện cho người sử dụng và nhiều cản trở khác. 

 

3.3. Mô hình quản lý dựa trên cấp phát định danh và xác thực theo yêu cầu có sự quản lý của nhà nước

 

            Trong mô hình này, định danh ban đầu có thể là một địa chỉ email, một tài khoản mạng xã hội công cộng mà người dùng sở hữu. Tuy nhiên với sự quản lý tập trung, mô hình này sẽ nhanh chóng được cập nhật các chức năng cơ bản của mô hình cấp phát và quản lý chứng thư số mà người dùng và tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp tham gia cung cấp nội dung số không phải đầu tư thêm hạ tầng, bỏ thêm các chi phí để quản lý, xác thực chồng chéo gây bất tiện cho cơ quan quản lý và người sử dụng.

 

            Bản chất của mô hình quản lý định danh và xác thực nói trên là thông quan việc ứng dụng các công nghệ quản lý định danh và kết nối đám mây dựa trên định danh hoàn toàn mới theo nguyên tắc “xác thực trước khi kết nối”, đối lập với mô hình “kết nối rồi mới xác thực” của phần lớn các dịch vụ mạng Internet hiện nay.

 

Về bản chất hệ thống quản lý cấp phát định danh nói trên cần trở thành một nền tảng hạ tầng “phần mềm” vận hành trên hạ tầng CNTT-TT quốc gia, nơi mà Chính phủ nhiều quốc gia ứng dụng và phát triển CNTT ở trình độ tiên tiến (Trung quốc, Nhật bản, Hàn quốc, Singapore, Đài loan, Malaysia, Úc, v.v..) đều đã và đang xây dựng.

 

Tại Châu Âu, Bắc Mỹ (Hoa kỳ & Canada), do hệ thống quản lý định danh và cung cấp dịch vụ CNTT ở quy mô toàn cầu cho hàng trăm triệu người dùng đã được các tập đoàn CNTT tại các quốc gia này xây dựng và vận hành nhiều năm nay (Google, Facebook, Apple, Microsoft, AT&T, Vodafone, Alcatel), nên Chính phủ các nước này không cần trực tiếp đứng ra đầu tư, xây dựng, quản lý mà chỉ cần hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp trong việc đảm bảo an toàn - an ninh thông tin mạng (và kết hợp với hoạt động do thám gián điệp nhằm vào các đối tượng tội phạm ở các quốc gia khác).

 

Hệ thống quản lý và cấp phát định danh như trên không chỉ dùng cho người sử dụng dịch vụ mạng (đăng ký tài khoản, mật khẩu, các cơ chế xác thực đảm bảo theo nhiều bước) mà còn được sử dụng để cấp phép, quản lý kết nối các mạng dùng riêng, kết nối người sử dụng với các kho thông tin và dữ liệu đám mây. Trên nền tảng hạ tầng này, các tổ chức, cơ quan và doanh nghiệp hoàn toàn có thể yêu tâm cung cấp các thông tin nội dung số và dịch vụ CNTT, cho thuê các tài nguyên, dịch vụ cho mọi khách hàng, trong đó có các cơ quan nhà nước, tuân thủ các quy định pháp luật về bảo đảm an toàn nội dung thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung và chất lượng dịch vụ.

 

Hệ thống quản lý và cấp phát định danh quốc gia, do quy mô sử dụng khá lớn nên cần được giao cho một cơ quan chuyên trách có chức năng quản lý nhà nước (tại Việt nam là Bộ Thông tin và Truyền thông) chịu trách nhiệm xây dựng, quản lý vận hành.

 

Với chủ trương mới của Chính phủ thay đổi phương thức xây dựng hạ tầng CNTT-TT, từ đầu tư và trực tiếp vận hành các hạng mục hạ tầng “phần cứng” chuyển qua hình thức thuê ngoài để sử dụng dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp, nếu chưa có mô hình quản lý hạ tầng “phần mềm” là hệ thống định danh tập trung thực hiện kết nối người dùng với các thông tin và dịch vụ CNTT, chưa có giải pháp bảo mật tổng thể và đồng nhất sẽ phát sinh khá nhiều hệ luỵ kể cả về pháp lý, không tạo điều kiện để xử lý các vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với thông tin số và dịch vụ CNTT, bản quyền tác giả trong môi trường mạng Internet.

 

Do tính phức tạp của hệ thống hạ tầng kết nối và cung cấp dịch vụ CNTT ở quy mô dữ liệu phải quản lý, cũng như các vấn đề phát sinh khác trong cung cấp dịch vụ vượt quá tầm kiểm soát, vượt quá năng lực xử lý và vận hành ngay cả đối với các doanh nghiệp lớn (VNPT, Viettel, FPT). Nếu chia công việc này cho nhiều doanh nghiệp cùng thực hiện cũng không phải là giải pháp tốt. Nhà nước cần sớm có giải pháp cho vấn đề quản lý định danh trên mạng Internet để khắc phục rào cản lớn nhất hiện nay làm hạn chế sự phát triển của các dịch vụ cung cấp thông tin và nội dung số qua mạng công cộng Internet.

 

4. Mục tiêu và nội dung xây dựng Hệ thống quản lý và khai thác hạ tầng CNTT-TT quốc gia

 

            4.1 Hệ thống quản lý thông tin kết nối và bảo mật (quản lý định danh)

 

Hệ thống quản lý này cần quản lý các thông tin và dữ liệu như sau:

 

            1.  Định danh cấp cho mọi người sử dụng hạ tầng CNTT quốc gia (Chính phủ), bao gồm tất cả cán bộ công chức, viên chức nhà nước, lãnh đạo và thành viên của các tổ chức, doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ công và mọi người công dân sử dụng dịch vụ công trên mạng.

 

            Quy mô của hệ thống ban đầu cần quản lý khoảng 40-50 triệu tài khoản (định danh) và có thể mở rộng để kết nối với hệ thống quản lý mã số công dân (CSDL công dân) trong tương lai không xa khi các CSDL quốc gia được xây dựng và vận hành.

 

            2. Định danh cấp cho các tổ chức nhà nước, cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, chính trị - xã hội (quy mô khoảng 500.000 tài khoản, có thể mở rộng và kết nối với hệ thống quản lý mã số thuế, mã số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong tương lai).

 

            3. Định danh cấp cho các tài nguyên hệ thống tham gia kết nối hạ tầng CNTT quốc gia (các kho dữ liệu, CSDL, các tài nguyên mạng chia sẻ, máy tính chủ, máy tính trạm, di động, các thiết bị ngoại vi, cảm biến, ...)

 

            Dựa vào hệ thống quản lý định danh và xác thực theo định danh, các cơ chế mã hóa cần thiết (dựa vào mật khẩu, mật mã cá nhân, chữ ký điện tử, khoá xác thực,...) cần được xây dựng và triển khai để đảm bảo tính an toàn của dữ liệu

 

            Hệ thống quản lý định danh phục vụ kết nối dịch vụ CNTT được mô tả như trên trong các cơ quan nhà nước, các tổ chức và doanh nghiệp về mặt chức năng hoạt động có thể so sánh (hoặc thay thế) hệ thống cấp phái và quan lý xác thực chữ ký điện tử (CA) đang được khá nhiều cơ quan, đơn vị xây dựng. Tuy nhiên với chi phí khá lớn cho hạ tầng CA, khả năng ứng dụng rất hạn chế trong quản lý kết nối và bảo mật dịch vụ CNTT do dựa trên nền tảng công nghệ đã lỗi thời có tuổi đời trên dưới 30-40 năm, hệ thống quản lý CA và chữ ký điện tử sẽ chỉ có thể ứng dụng ở một phạm vi rất hẹp tại Việt Nam, cũng như trên thế giới.

 

            4.2 Hạ tầng các kho dữ liệu lưu trữ điện tử (văn bản điện tử, hồ sơ - tài liệu, các biểu mẫu - hồ sơ số hóa …) dùng trong các cơ quan nhà nước.

 

            Hạ tầng các kho dữ liệu này được dùng để lưu trữ dữ liệu và kết nối với các phần mềm quản lý, nghiệp vụ, thực hiện các chức năng trao đổi thông tin trên mạng nội bộ, mạng dùng riêng, mạng diện rộng và trong một số trường hợp là mạng công cộng Internet, tuân thủ đầy đủ các quy định hành chính hiện hành như Luật Văn thư lưu trữ và các quy định của pháp luật hiện hành.

 

            4.3 Mạng lưới các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp dịch vụ cung cấp thông tin nội dung số trên nền tảng hạ tầng CNTT-TT quốc gia

 

            Mạng lưới cung cấp dịch vụ này cần dựa vào hệ thống quản lý và cấp phát định danh quốc gia, các dịch vụ lưu trữ dữ liệu và cung cấp thông tin cho các cơ quan nhà nước, các dịch vụ số hóa, nhập liệu và quản lý hồ sơ, các dịch vụ công cần thiết khác để thông tin khác trong xây dựng CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành, quản lý và cấp phép, chăm sóc sức khỏe, y tế, giáo dục, giám sát và bảo vệ môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu do các tổ chức và doanh nghiệp cung cấp.

 

            4.4 Các hoạt động tư vấn, đào tạo nâng cao nhận thức, đào tạo triển khai, giám sát thẩm định, đánh giá hiệu quả hoạt động của hệ thống quản lý cấp phát định danh trong cung cấp dịch vụ thông tin trên mạng Internet.

 

            Nội dung này rất quan trọng và cần được các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm, đưa vào chương trình hoạt động thường xuyên, được cấp kinh phí từ ngân sách để thực hiện hàng năm.

 

5. Kết luận

 

            Các hoạt động  liên quan tới xây dựng và vận hành hệ thống cấp phát định danh, kết nối hệ thống với các dịch vụ CNTT, các phần mềm và kho dữ liệu là hoạt động đòi hỏi sự tham gia của rất nhiều cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp. Tuy nhiên ở khía cạnh của người sử dụng và kinh doanh các dịch vụ thông tin, việc có được một hệ thống quản lý tập trung sẽ là một bươc tiến quan trọng, góp phần mở rộng thị trường cung cấp nội dung số và là yếu tố hạ tầng quan trọng để đảm bảo thực thi các yêu cầp pháp lý liên quan tới bảo hộ bản quyền tác giả, thực thi viện bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với các thông tin nội dung số và các dịch vụ CNTT trên mạng Internet.

 

 

 

 Nguồn: Bài tham luận "Hội thảo bảo hộ quyền tác giả trong môi trường số tại Việt Nam" tại trường ĐH. Luật TP. Hồ Chí Minh

 

 

 

  Doanh nghiệp liên kết
 
Công ty TNHH Tư vấn & Đào tạo A.G.L
Email: JLIB_HTML_CLOAKING
Hotline: 0988890358
              0938877897
   TƯ VẤN PHÁP LUẬT
 
    Hot line: 093.8877.897
 
Số lượng truy cập
2661875
TodayToday290
YesterdayYesterday390
This WeekThis Week1540
This MonthThis Month10524
All DaysAll Days2661875
Highest 01-12-2015 : 9844